Phần 2: đậm đà sản phẩm đảo ngọc
Mình vốn ít ăn nhưng mà lại thích "
ăn ngon và mặc đẹp" thế nên chuyến đi này mình nghiên cứu rất kỹ nhưng món ngon trên đảo. Hải sản nơi biển đảo ngon thì cũng là bình thường. Thế nhưng món "gỏi cá trích" khiến mình ấn tượng ngay từ lúc mà nhà hàng "Vườn Táo" đem ra.
Để xem, dĩa cá trộn rau râm hành tây, đậu phụng cà, dĩa dừa nạo lại thêm dĩa rau xanh ươm đủ loại và chai nước mắm đặc biệt của riêng nhà hàng Vườn Táo. Cá sống đối với mình đã là hơi khó ăn thế nhưng cá trích thì không hề có mùi tanh của cá biển, bánh tráng dẻo dai tự tay người ăn cuốn với rau rừng, với dừa nạo, với đâu phụng cùng con cá nho nhỏ và chấm vào nước chấm rất riêng của Vườn Táo, nước chấm sệt, chua ngọt và cay nồng làm người ăn thêm phần kích thích. Cắn một miếng cảm nhận vị ngọt của cá, béo của dừa, giòn của đậu, chát của rau, cay của ớt, mặn của nước mắm... Nhấm thêm ít
rượu Sim hảo hạng của Phú Quốc, rượu thơm nồng, cay nhẹ, ngọt vừa... Mình thêm phần phấn chấn. Và cả 7 cùng gật gù thích thú với gỏi cá trích và rượu sim. Quyết mai sẽ lại ăn món này.
Cá trích có suốt tháng quanh năm, thế nhưng khi đã đông lạnh thì cá sẽ không còn vị ngọt và thanh. Xưa khi Phú Quốc chưa là điểm du lịch thì cá trích bị bỏ mứa, chả ai thèm. Vậy mà, giờ đến Phú Quốc cá trích đã lên đến nhà hàng và gây ra bao nỗi nhớ nhung cho khách tứ phương một khi đã lỡ ghiền.
Dạo quanh chợ đêm, cả bọn phát hiện ra món
bánh khoai mì nướng. Sao mà ngon lạ dù biết rằng món này chẳng lạ. Dạo quanh biển với bánh khoai mì nướng quyến rủ cả bọn. Hôm sau, dù mệt mỏi nhưng mà nghe đến bánh khoai mì nướng thì bỗng dưng cả bọn mắt sáng ra liền. Vì trời đêm Phu Quốc lạnh hay vì bánh nơi này có điều gì đó rất riêng mà làm cả bọn thấy ngon đến thế?
Một quả tú cầu nhỏ đen thui, gai tua tủa xù ra như nhím con đang cố gắng tự mình phòng vệ. Nhum là nó đó, nhìn vào thật đáng sợ. Thành Phố tìm đâu ra món này, thế nhưng ăn sống thì mình chịu thua không dám, nướng mỡ hành thì mình không từ chối. Để xem, chiếc muỗng cà phê nhỏ véc 1 miếng bỏ vào miệng... Có vị mặn của biển, vị béo rất riêng của Nhum và nhanh chóng ta nhanh trong miệng mà người ăn từ từ, nhưng mình cũng không thể cảm nhận hết cái ngon từ Nhum. Nhỏ Nhí bảo nó không ngon và thế là hôm sau mình loại ra được một đối thủ chia sẻ Nhum
Thưởng thức Nhum bên bờ biển, nghe tiếng sóng vỗ về, nghe ông chủ "Biên Hải Quán" hát câu vọng cổ, một cái gì đó rất riêng tại Gành Dầu.
Anh tài xế Taxi mách nước "Mai sáng mấy chị ra bánh canh Phụng ăn sáng thử, rẻ mà ngon...". Thế là sáng cả bọn kéo nhau ra đó. Khiếp... Quán nằm cuối một con đường nhỏ sâu, thế mà đông kinh, chật kín người với người. Ngồi khá lâu mình mới có tô bánh canh cá. Bánh canh làm bằng bột gạo nấu với cá thu tươi và chả cá. Có lẽ nhờ vào đặc quyền cá tươi nên món bánh canh quán này cũng khá bắt khách...
Trước khi đi, mình đã nghe đến tên "Bánh Tét mật cật". Nhất định quà về đất liền cho cả nhà sẽ là món này. Không hình dung được đòn bánh tét thế nào. Chao ôi, dặn dò người đi chợ nếu bánh nhỏ mua 20 bánh còn bánh lớn thì 5 bánh và khổ thân 5 cái bánh tét nặng kinh. Nhưng được cái bánh ngon nên không uổng công mình mang về Phố. Bánh không có vị mặn như bánh tét thường, mùi thơm lạ và có thể để khá lâu bên ngoài. Về Sài Gòn mình mới biết màu xanh của nếp và hương bánh được nhuộm bằng nước cốt lá bùi ngót qua lời Mẹ và Bà.
Không thể kể hết các món ngon nơi đảo. Ngoài hương vị đặc trưng của đảo, có lẽ món ngon nơi này còn nhờ vào không gian và lòng hiếu khách của đảo xa.
Nếu như ai cũng biết Phú Quốc có tiêu xanh, có ngọc trai, có nước mắm là những sản phẩm du lịch độc đáo của riêng đảo thì chuyến đi này mình phát hiện ra Phú Quốc còn có một sản phẩm du lịch rất độc đáo khác mà những nơi mình từng đi qua đều có, nhưng không thể sánh bằng Phú Quốc. Đó chính là các anh "tài xế taxi". Đây chính là sản phẩm du lịch độc đáo và thân thiện mà Phú Quốc cần phát huy và gìn giữ. Chỉ cần một điều rất nhỏ này, đảo đã có thể níu chân du khách quay lại đảo xa.
Bạn sẽ thắc mắc vì sao mình nói thế, hãy chờ xem tiếp bài viết sau.