• Đăng ký nhanh... Đăng nhập bằng Facebook

Non nước Ninh Bình

Tượng La hán Khoảng 200 trong số 500 tượng A-la-hán bằng đá nguyên khối đã được chuyển đến, để trong khu vực chùa. Làm nhiều đại trà như thế thì tất nhiên người thợ sẽ không có thời gian để sáng tạo thêm được. Người ta lấy mẫu tượng từ sách Tàu, mà vốn sách Tàu vẽ đến 500 vị thì cũng sáo mòn khuôn mẫu lắm.



Vì vậy dù các tượng tạc khác nhau, nhưng thực ra lại chả khác gì nhau ở nét mặt, thần thái cả. Tớ cảm giác đó hoàn toàn vẫn là những khối đá lồi lõm thôi. Tất nhiên không dám so sánh với những tuyệt tác điêu khắc đá phương Tây, nhưng chỉ so với những pho tượng cổ khắc nông trên các vách đá, cũng thấy khác biệt nhiều về độ tâm linh thành kính.



 
Yểm tâm Khai quang Một pho tượng nếu bình thường chỉ là tượng gỗ, đá, đồng, đất, và chỉ trở nên linh thiêng nếu được linh hóa bằng các nghi lễ.



Thực ra nghi lễ mà mọi người thường đề cập: Khai quang điểm nhãn, yểm tâm, hô thần nhập tượng đều là hình thành về sau, chứ Phật giáo nguyên thủy không có. Nhưng hiện nay ở VN, tượng không có lễ Khai quang thì coi như không thiêng.



Lễ này gồm việc Yểm tâm, tức là bỏ một số thứ vào trong tượng, thường là đồ quý như vàng bạc, châu báu, tiền (đồng). Như tượng chùa Bái Đính thì mỗi tượng có một quả tim to bằng quả dừa mạ vàng. Đằng sau tượng có một chỗ hổng, sau khi bỏ vào trong thì trám kín lại. Rồi làm lễ đọc thần chú để linh hóa tượng.



Một lễ Khai quang ấy kéo dài hay ngắn còn tùy. Nghe nói chùa Bái Đính kéo dài một ngày. Nhiều nơi lễ này phải diễn ra lúc nửa đêm. Đi sâu xa về mấy cái này thì dài dòng lắm, và cũng nhiều điều vừa là tâm linh, vừa là mê tín nữa.



Nghe nói hôm Yểm tâm tượng chùa Bái Đính, nhiều người bỏ tiền VND vào trong lắm. Thật buồn cười và buồn.
 
Núi Bái Đính Chùa Bái Đính mới dựa vào núi Bái Đính, trên gần đỉnh núi có chùa cổ. Muốn đến phải đi vòng đằng sau. Tương truyền dưới chân núi có một giếng ngọc, nơi xưa kia Quốc sư Minh Không lấy nước làm thuốc. Ngày nay người ta cũng xây lại thành cái giếng rất to, đường kính đến 30m. Gọi là giếng, nhưng không phải giếng khơi, tức là gần như kiểu cái bể nước thiên nhiên ấy.



Trèo mấy trăm bậc thang sẽ lên đến chùa Bái Đính cổ trên đỉnh núi. Đường lên lát đá rồi, leo không khó.





Đứng từ trên chùa cổ



 
Động Mẫu Trên núi có một động và một hang.



Động thờ Mẫu, bàn thờ cũng mới sang sửa lại, tượng rặt mới, sơn son thếp vàng láng coóng, trông chả có gì là chùa cổ cả. Bên cạnh bàn thờ có một bác cung văn ngồi hát í a í ơi, đủ thứ; nào là "cầu cho giao thông an toàn, không cho tai nạn trên đàng xảy ra, cầu cho an cửa an nhà..." rất chi là thực dụng.



Có điều trong hang động, nghe tiếng đàn tiếng hát cũng có cái hay ho.



Động này có một ngách trũng đọng nước, thế là dân tình vây lại gọi là "Ao tiên", ai tin thì trèo xuống mà múc nước .. uống. Rất chi là mờ ảo nhá.



 
Bên kia là một cái hang, nghĩa là thông hai đầu. Hang thì thờ Phật, và bên trên cửa hang có hàng chữ hán Bái Đính danh lam. Cửa sau của hang thông xuống một ngôi đền thờ sơn thần ở lưng chừng núi phía sau.



Lại rặt tượng mới làm, chán chết. Tưởng chùa cổ, nhưng chỉ có núi đá là cổ, còn các thứ khác đi theo thời đại mới mất rồi.



 
Xưa kia Quốc sư Minh Không đã lấy nước ở dưới chân núi làm thuốc chữa bệnh, ngày nay nơi đó người ta làm lại thành một "Giếng ngọc" to tướng, đường kính đến 30m.



Giếng này theo kiểu giếng làng, không phải giếng khơi đào nhỏ và sâu của các cụ. Nước trong giếng là mạch nước đá vôi nên có màu xanh, và thành giếng cũng có gạch màu xanh ngọc thì phải. Nhìn xa xa thôi chứ tớ cũng chả ra đó làm gì. Trời nắng mất công.



 
Rời núi Bái Đính ngổn ngang gạch đá, mù mịt bụi đất, chúng tớ quay lại Hoa Lư. Vùng đất này nằm ở phía bắc của dải núi đá vôi Trường Yên, cũng tức là Tràng An. Thị trấn Hoa Lư nằm ở phía bắc của vùng, xưa kia là nơi các vua Đinh - Lê đặt cung điện.



Đường quay lại ngang qua ngã ba Vực Vông, nơi có đền Vực Vông nằm giữa một vòng núi nhỏ. Núi như cái ngai ôm lấy đền. Đền thờ bà Nguyễn Thị Niên, với sự tích bi tráng:



- Thời Mạc, vùng nước gần sông Hoàng Long có vực nước sâu, thuyền đắm người chết nhiều. Dân trong vùng mê tín vài năm lại cúng một thiếu nữ dìm xuống sông. Khi đó Nguyễn Quyện đóng ở vùng này; Quận Mỹ và Quận Kế là hai tướng đều muốn cầu hôn con gái ông là Nguyễn Thị Niên. Bà ra yêu cầu ai phá được lệ cúng thiếu nữ sẽ lấy làm chồng. Quận Kế đã cho người phá đá lấp vực, khiến sông nước hiền hòa, lệ dã man bị phá bỏ; Bà Niên lấy Quận Kế, sống vui vẻ. Nhưng Quận Mỹ tức giận đã bày mưu hãm hại cả cha và chồng bà, sát hại Quận Kế rồi ép bà lấy mình mới tha cho cha. Bà nhận lời.

Sau khi cha được tha, tại khúc sông mà chồng trị thủy năm xưa, sau khi tế chồng, bà đã giết Quận Mỹ rồi nhảy xuống nước trẫm mình. Xác bà trôi về Vực Vông. Dân chúng lập đền thờ, rất hiển linh.




Bà Nguyễn Thị Niên được coi như một bậc Thánh Mẫu - Mẫu Thoải - coi giữ vùng sông nước Ninh Bình.



Cổng tam quan đền Vực Vông chụp năm ngoái, còn chưa sơn vẽ; và năm nay đã sơn xanh đỏ lên rồi, trông mất đẹp



Năm ngoái






Năm nay



 
Biết về sự tích đền Vực Vông, chợt nhận thấy trong các vị Mẫu của Việt Nam, mẫu Thoải được hóa thân trong nhiều bà quá.



Từ bà người Dao, người Mường trên sông Đà, cũng được tôn là Mẫu Thoải, cai trị cả một vùng sông nước Đà Giang. Rồi mẫu Thoải ở Bảo Hà, đền Bảo Hà bên bờ sông Hồng, cai trị vùng nước Hồng Hà. Rồi nàng Mỵ Châu vì tình mà chết oan, hóa ngọc trai nơi cửa biển, cũng được tôn là Mẫu Thoải.



Thậm chí công chúa Lê Ngọc Hân, khi đã mất còn bị vua Gia Long nhà Nguyễn quật mồ lấy cốt đổ xuống sông Hồng, cũng được dựng đền thờ ở Gia Lâm, tức là đền Ghềnh, và bà cũng trở thành Mẫu Thoải ở vùng sông Hồng từ Thăng Long xuôi ra biển.



Nay ở Vực Vông, lại có một Mẫu Thoải nữa gắn với vùng Non nước Ninh Bình.
 
Hoa Lư Từ ngã ba Vực Vông, không theo đường bêtông lớn đi Tràng An nữa, mà rẽ theo đường nhựa nhỏ hơn, sẽ đến thị trấn Hoa Lư, mà mọi người quen gọi là Cố đô Hoa Lư.



Thực ra Cố đô Hoa Lư bao gồm cả một khu vực rộng lớn, còn khu đền Đinh - Lê ngày nay chỉ là phần phía bắc của cố đô, nơi gần con sông Hoàng Long nhất, và có một khu vực rộng rãi bằng phẳng.



Tại đây có đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng (và các con), đền thờ vua Lê Đại Hành (và vợ con), và một nhà bia vua Lý Thái Tổ. Thể hiện đây từng là kinh đô của hai triều Đinh - Lê, và năm đầu triều Lý.



Dãy núi Rù vây quanh phía ngoài, tạo thành một bức thành tự nhiên bao bọc. Phía trong là núi Mã Yên, cong hình yên ngựa, Trên chỗ võng xuống của núi Mã Yên là "lăng vua Đinh", một ngôi mộ tượng trưng xây bằng gạch đá, và cũng chỉ mới được tạo dựng lại sau này như là một hình thức tưởng niệm.





Nếu như các Hùng Vương có công Lập quốc, Ngô Vương có công Phục quốc, thì Đinh Tiên Hoàng có công Hưng quốc, Nhất thống sơn hà.
 
Đô thị Hoa Lư Từ đỉnh Mã Yên Sơn nhìn xuống, có thể hình dung phần nào đô thị Hoa Lư ngày xưa.



Vùng đất bằng phẳng nằm giữa các quả núi này đã từng là nơi lập cung điện của các triều Đinh Lê. Dân chúng ở bên ngoài mấy quả núi kia, ra đến tận sông Hoàng Long ở phía chân trời. Cung điện dựa vào núi, núi nhìn ra sông. Thành xây gạch nối các quả núi tự nhiên lại với nhau. Phía sau núi sau lưng là cả một mê cung các thung, các hang động, tha hồ làm kho lương, kho tàng, nuôi quân.



Cái tòa thành núi này hiểm trở nhưng cũng bịt bùng, chỉ để thủ chứ chẳng thể mở mang.



Nhà bia Lý Thái Tổ giờ ở chính giữa, thẳng con đường phía trước là đền vua Lê, đền vua Đinh nằm cuối con đường thẳng bên trái.





 
Đền vua Đinh Đền Đinh Tiên Hoàng là quần thể kiến trúc quan trọng và hoàn chỉnh nhất khu vực này. Đền có từ vài trăm năm, là một hệ thống đầy đủ, từ Nghi môn ngoại, Nghi môn nội, tam quan, sân triều, sập rồng, bái đường, thiêu hương, hậu cung...



Phía trước đền, phía đông, là một hồ sen bán nguyệt, phía sau đền, phía tây, là một quả núi riêng lẻ đứng chắn, Quả núi này làm thế dựa rất đẹp, đúng là địa thế tốt cho một chốn linh thiêng.



Đền được bảo tồn khá nguyên vẹn, không bị tu sửa xanh đỏ, nên bước vào dễ chịu, linh thiêng.





 
Sập rồng Trước đền vua Đinh có một sập bằng đá khá đẹp. Tương truyền thì có từ lâu lắm rồi, nghìn năm nay rồi. Thực tế là có khoảng 400 năm là cùng thôi, nhưng thế là quý giá rồi. Con rồng trên sập có dáng vẻ mạnh mẽ, thế cuộn vòng, chân nắm vào râu.



Ở đền Lê không có sập rồng, chạm trổ thế này.





 
Tiên Hoàng đế Tượng vua Đinh Tiên Hoàng trong hậu cung. Đây là bức tượng bằng đồng, ngồi chính giữa điện. Xung quanh là tượng ba người con trai của vua.



Đinh Tiên Hoàng có ba con trai, con cả là Nam Việt Vương Đinh Liễn, con thứ hai là Đinh Toàn, con thứ ba là Đinh Hạng Lang. Tiên Hoàng yêu con út Hạng Lang, lập làm Thái tử khi mới 4 tuổi, nên Đinh Liễn đã giết em để giữ quyền nối ngôi; thế mà rồi Tiên Hoàng cũng không trừng phạt Đinh Liễn.



Nhưng theo chính sử rồi cả hai cha con đều bị Đỗ Thích giết chết.



Đến giờ việc Đỗ Thích có thực giết Tiên Hoàng và Đinh Liễn hay không có lẽ vẫn sẽ mãi bí ẩn. Chỉ biết sau đó thì Đinh Toàn lên ngôi khi 6 tuổi, và rồi mẹ là bà Thái hậu Dương Vân Nga chỉ sau 9 tháng là lấy tướng quân Lê Hoàn, phế con ruột để làm Hoàng hậu.



Hàng loạt trung thần triều Đinh cũng bị trừ bỏ. Và chính 7 vị trung thần đó đang được thờ khắp nơi quanh khu Tràng An.



Và giờ trong ngôi đền này, bốn cha con nhà Đinh lại được ngồi gần nhau, có điều các ngài chẳng thể bàn luận quốc gia thế sự hoặc cơm áo gạo tiền như chúng ta được nữa.





 
Đền vua Lê Đền thờ Lê Đại Hành ngay gần đền Đinh Tiên Hoàng. Triều Tiền Lê được có ba đời, 29 năm, Lê Đại Hành 25 năm, Trung Tông được có 3 ngày, Ngọa Triều 4 năm.



Người đời vẫn truyền rằng Lê Ngọa Triều rất tàn ác, dâm đãng, trác táng, vì thế bệnh tật đến nỗi không ngồi được mà phải nằm khi ra triều, nên mới gọi Ngọa Triều. Thế nhưng ngược lại, ông có rất nhiều chính sách cải cách, và lại ra trận đánh giặc nhiều lần, thậm chí trước khi chết 2 tháng còn đi đánh trận xa. Những điều vô lý này đưa ra nghi vấn là có thể những điều xấu đặt ra cho ông là nhằm mục đích chính trị hơn là sự thực. Còn ai làm, và mục đích là gì, thì vẫn là nghi vấn lịch sử.



Xưa kia đền Đinh - Lê chỉ có một đền, trong đó để tượng cả hai vua Đinh và Lê, bà Dương Vân Nga ngồi giữa. Sau mới lập đền riêng thờ Lê Đại Hành, thì tượng Dương Vân Nga đưa sang đền Lê, mà không thờ ở đền Đinh nữa.



Trong đền thờ Lê Đại Hành, bên trái là bà Dương Vân Nga, và bên phải là Lê Long Đĩnh tức Lê Ngọa Triều. Dân gian cũng công bằng với vị hoàng hậu hai triều vua, và vị vua tuy bị ghi là là rất tồi tệ, nhưng vẫn được thờ cúng như một bậc đế vương chân chính.
 
Chùa Nhất Trụ Triều Đinh mặc dù ngắn ngủi, nhưng lại chấn hưng Phật giáo đã suy vi trong mấy thế kỉ trước đó. Chùa chiền được lập nhiều, Ngô Chân Lưu được phong Khuông Việt Quốc sư.



Trong các chùa triều Đinh, có nhiều cột kinh. Đó là những cột đá cao khắc kinh phật, dựng ở các nơi để hoằng hóa Phật pháp. Nhiều người cho rằng riêng Đinh Liễn đã cho tạc hơn một trăm cột kinh để sám hối sau khi giết em trai là Đinh Hạng Lang.



Ngày nay, các cột kinh đó chỉ còn tìm thấy một cột, và ngôi chùa dựng ở đó cũng gọi tên là chùa Nhất Trụ, chứ không biết xưa kia tên là gì.



Chùa Nhất Trụ nằm ngay gần đền Đinh Lê, trong xã Trường Yên.





Lầu mới dựng để che cột kinh



 
Cột kinh chùa Nhất Trụ Cột kinh này được dựng năm 995, cách đây hơn một nghìn năm. Trên cột khắc bài kinh Lăng Nghiêm, nhưng trải mưa gió thời gian mà không được che chắn, chữ đã mất hết.



Có thể nói đây là di vật văn hóa lớn và cổ nhất của văn minh Đại Việt thời độc lập còn lại đến ngày nay. Có người cho rằng chùa Một Cột đời Lý ở Thăng Long có nguồn gốc từ những cột kinh phật thế này ở Hoa Lư.





 
Htx Ngay cạnh chùa Nhất Trụ là dấu tích của một thời xây dựng XHCN trước kia. Trước khi được dựng lại chùa, thì sân chùa là sân kho hợp tác.



Cái ảnh này chụp lung tung, nhưng vẫn giữ vì có cái giếng. Trên giếng còn hàng chữ viết trên xi măng: Hợp tác xã Hợp Thành, sửa giếng tháng ... (vữa bong). Cái hình ảnh cũ kĩ về một thời hợp tác sống lại trong cái nhà kho, sân kho thập kỉ 60 - 70 ấy.





 
Tháng 9 có đi cũng là kết hợp công việc bác ạ. Lúc đó nếu có đi thì tớ sẽ liên lạc với bác, bác có nhã hứng thì đến đó rồi tùy nghi tính tiếp.



Chuyện chữ Hán thì vô thiên lủng điều để nói.





Một góc thung lũng Hoa Lư



243485863cd778b2.jpg
 
Núi Kỳ Lân Nằm ngay bên đường Quốc lộ, cũng là ngã rẽ đi vào khu Tràng An, Bái Đính, Đinh - Lê là núi Kỳ Lân, điểm dễ nhận ra nhất của Ninh Bình.



Núi là một khối đá vôi nằm ngay bên hồ, hồ mang tên Kỳ Lân luôn. Phía trước núi có một ngôi đền nhỏ, nằm tựa vào núi. Đền xây ra ngoài một hốc đá, mà người ta gọi là hang Kỳ Lân. Nếu quả núi là đầu con Lân, thì cái hang đó như là miệng Lân vậy. Một cây cầu đá không có thành nối bờ hồ vào đền.



Xung quanh còn có vài khe đá đi lọt người nữa, người ta cứ gọi là hang cho oai. Lưng chừng quả núi cũng có một hốc lớn. Trên đỉnh núi dựng một ngôi chùa nhỏ theo dáng chùa Một Cột, buổi tối thắp đèn sáng.



Quả núi nhỏ thôi, nhưng cũng có vẻ đẹp riêng, như nói với mọi người rằng đây là nơi của sơn và thủy.





 
Top