• Đăng ký nhanh... Đăng nhập bằng Facebook

Nepal ngày thu xanh

Nepal – phố núi nhỏ Dhulikhel, ngày mùa thu vắng tênh - 3 (cont.)



Điểm cuốn hút ở ngoại ô Dhulikhel là ngôi đền Shiva và "đồi Kali". Ngôi đền Shiva thật tuyệt, tuy nhỏ. Hôm nay không có khách viếng, chỉ có mình bpk và người trông đến. Có thấy bóng dáng thấp thoáng của 1 holy-man nhưng khi thấy khách lạ đã đi đâu ra phía sau. Một mình lưng tưng trong đền Shiva, trong không khí yên bình của núi rừng ngày cuối thu thật dễ chịu (sẽ còn dễ chịu hơn nếu không có vài rắc rối nho nhỏ). Lang thang mãi rồi cũng phải lên đường, tiếp tục con đường núi chạy miên man cúc dại và trạng nguyên đỏ…





PB060847.jpg


Đền Shiva nhìn qua khung cửa





PB060837.jpg


Linh vật trong đền Shiva – Linga bằng đồng 4 mặt, giang hồ cũng nhiều, nay bpk mới thấy!!!





PB060845.jpg


Bên ngoài đền Shiva, các biểu tượng hay gặp ở đền Hindu





Đối với những người mộ đạo Tây Tạng, Dhulikhel nằm trên con đường đến Namobuddha, nơi có truyền thuyết về 1 vị cao tăng đã để 1 con hổ mẹ ăn thịt mình, để cứu sống nó và bầy con đang ngắc ngoải gần chết đói của nó. Khách đi trekking thường đi từ Dhulikhel lên đồi Kali rồi xuống núi đồi đi tiếp đến Namobuddha, hành trình này đi từ đồi Kali và quay về mất hơn 6h mà lúc bpk lang thang ở Dhulikhel, đi bộ hơn 3km đến chân đồi, leo lên 640 bậc cấp rất dốc để đến Kali Hill là hết xíu quách. Cộng thêm nắng vàng, gió dìu dịu và San Miguel… nên bpk chỉ dừng chân ở đồi kali ngắm Hymalaya xa xa, rồi về, lỡ hẹn Namobuddha. Thật ra, cũng do đi 1 mình và đường đồi núi rất vắng nên cũng hơi ngại việc lạc đường trong đêm chứ nếu đến sớm hơn, có lẽ bpk cũng thử. “Nếu!...”.



PB060850.jpg


Trên đồi Kali nhìn về núi tuyết Hymalaya xa xa



PB060880.jpg


Hymalaya nhìn từ Kali Hill



PB060871.jpg




PB060879.jpg


Bên sườn đồi – thung lũng bên dưới







(tbc.)
 
Nepal – phố núi nhỏ Dhulikhel, ngày mùa thu vắng tênh - 4 (cont.)



PB060883.jpg


Căn cứ quân sự và rada trên Kali Hill (chỉ chụp lén thôi) vì luôn thấy mấy anh xách súng đi lòng vòng



PB060887.jpg




PB060869.jpg


Cánh đồng bậc thang miên man xa xa bên dưới, thung lũng còn sương hay khói ngày mùa mà hình chụp lên cứ mờ mờ ảo ảo!!!





Sau khi viếng đền Shiva, bpk bắt đầu trở ngược ra để lên đồi Kali. Đến chân đồi có 2 con đường lên, 1 con đường đất, bụi, ít dốc hơn để xe chạy được. 1 con đường là bậc thang, xe không chạy được và rất dốc. Do vậy, nếu không đi 2km bằng con đường đất, bạn phải chọn leo 640 bậc thang (bpk đếm, có thể sai lệch vài bậc do quá mệt). Trời cũng đã trưa, dốc đứng… bpk vừa đi vừa thở vừa lầm bầm ca thán cái sự nghiệp ăn chơi 1 mình lúc bức xúc chẳng biết chia sẻ cùng ai… nhưng khi vừa hết những bậc thang, len lỏi vào con đường mòn hun hút chạy giữa các hẻm núi, khoảng cây xanh trên đầu đang ngăn ngắt trên đầu bỗng mở òa ra một mảng trời xanh ngát, gió mùa thu tràn về, mang đi hết những nhọc nhằn đường xa. Trời xanh, mây trắng, xa xa núi tuyết trắng, bên dưới thung lũng xanh, nương đất ngày cuối mùa nâu, thỉnh thoảng pha vàng rơm, những con đường thấp thoáng xa xa vàng rực vạn thọ, đỏ chói trạng nguyên… như 1 bức tranh thủy mặc nhiều màu sắc nên thơ. “Bao nhiêu mệt nhọc giờ chỉ còn là con số không…”!



”Đồi Kali"? Sở dĩ gọi như vậy là trên ngọn đồi này ngày xưa có ngồi đền Kali. Bây giờ, quân đội chiếm đóng và là căn cứ quân sự. Tuy vậy, góc đồi cạnh đó vẫn là 1 view-point tuyệt vời. Nhất là cạnh đó còn có nhà hàng Deurali nhìn xuống thung lũng vàng nắng và xanh thẳm những cánh ruộng bậc thang chen lẫn với những cánh rừng, sườn đồi.



PB060891.jpg


Con đường mòn hun hút len giữa núi đồi. Lang thang 1 mình cũng feeling lắm.



Thiên hạ còn đến Dulikhel để ngắm Hymalaya nữa, xa xa bao quanh phố nhỏ là rặng Langtang Lirung (7246m) rồi Gauri Shankar (7195m). Ngày đẹp trời có thể thấy rất rõ từ đây, thay vì phải đi Nagarkot xa hơn và khúc khuỷu hơn.



PB060899.jpg




PB060897.jpg


Nhìn hoa vạn thọ và trạng nguyên thế này, ai không nhớ Tết?



PB060895.jpg


Thiên hạ đến Kali Hill để đi Namobuddha, còn bpk đến là để ngắm vạn thọ & trạng nguyên, rồi dzìa! Xấu hổ quá!!!





Trên đồi Kali. Trưa vắng, nắng vàng, mây trắng, trời xanh, núi tuyết trắng, đồi cỏ vàng, trạng nguyên đỏ, vạn thọ vàng… San Miguel cũng sóng sánh vàng… làm lòng ai đó cũng chùng xuống, như thu vàng!
 
Kinh thành thứ 3 Vương triều Malla, Bhaktapur lộng lẫy - 1 Bữa giờ lôi các bạn đi tận đẩu tận đâu mà chưa giới thiệu được với các bạn một thung lũng Kathmandu hoành tráng với những Di sản văn hóa Unesco. Do vậy, hôm nay, bpk sẽ cùng bạn ra Ratna Park, nhảy xe bus đi tham quan một di tích Unesco lộng lẫy của Kathmandu nhé.



.................................................. .................................................. .



Những ngày này, bpk đang rầu rĩ muốn chết vì vụ án xin visa Ấn Độ cứ chơi vơi, “con đường mây trắng” giờ sao xa ngái...!!! Nhưng thôi, không kể lể khóc than nữa, hôm nay, sẽ tót lên xe, đi cùng bạn đến vùng đất xưa Bhaktapur, vương triều lộng lẫy của các Đế vương Malla thời kỳ hoàng kim nhất.



Sáng, phải dọn đồ để chuyển GH tạm trú mấy hôm rồi, đi kiếm phòng đơn hoặc dormitory khác cho tiết kiệm. Mãi mà chẳng được vì sáng sớm chưa ai trả phòng. Đành check-out và gửi đồ lại guesthouse để lên đường tiếp tục sự nghiệp ăn chơi. Đã vậy, đi rã giò lỏng gối mới kiếm được chỗ ăn sáng (!). Hôm nay hầu hết các quán đều đóng cửa vì là ngày cuối, cũng là ngày quan trọng của lễ hội Tihar. Sau những ngày chúc phúc cho quạ, chó, bò.... hôm nay, người Nepal chúc phúc lẫn nhau. Trong gia đình, người nam gửi những lời chúc tốt đẹp đến các chị em gái của họ. Sau đó, các chị em gái tặng lại những món quà, chấm tikar cầu phúc lên trán anh em của mình và tặng những vòng hoa tươi thắm…. Do vậy, bạn thấy rất nhiều nam giới đủ tuổi với những tikar đỏ hoe hoét, đeo những tràng hoa nhiều màu hãnh diện đi lon ton hoặc "vui tung tăng hớn hở" trên phố. Và do vậy, mọi người đều tụ tập ở nhà, cửa tiệm đóng, chỉ một số ít các cửa hàng của người Tibetan, Indian... là còn mở cửa...



PA300266.jpg


Nhìn cậu chàng "trang điểm" với tikar và vòng hoa này dzui dzui hén! Và cô em têm trầu, duyên dáng ghê chưa?





Dài dòng kể lể như vậy để than thở (!) cho việc mãi đến gần 11 giờ sáng bpk mới lần mò ra được bến xe Ratna Park, leo lên chuyến xe bus công cộng đi gần 1.30 giờ mới đến Bhaktapur. Đường đi xấu vô kể. Thằng ku em lơ xe còn định ăn chặn khi bpk trả tiền vé. Bạn có biết, bpk đưa nó tờ 100Rp, nó không thối tiền lại. Lúc xuống xe, bpk hỏi “Tiền thối của tao đâu”?. Nó đưa lại 10Rp, bpk lắc đâu, đưa thêm 10Rp, bpk cũng lắc đầu.... lắc mãi đến cuối cùng nó đưa trả lại 80Rp, bpk cũng lắc đầu! Thế là nó nhảy lên xe chạy mất dép!!! Tóm lại là bpk đi 1.30h chỉ mất 20Rp, tương đương 4.000 VND. Đúng giá Nepal, dành cho người Nepal! Đi taxi mất đâu chừng 500Rp, không dành cho dân đi bụi – như bpk!





PA300255.jpg


Công viên Ratna Park – bữa giờ nhắc hoài mà chưa giới thiệu hình. Đang có chợ bán hàng second-hand.





Chưa hết, đến nơi, mua vé vào cổng, 750Rp (#10$, đắt nhất ở Nepal thì phải nhưng vẫn còn rẻ chán chê so với vé tham quan ở TQ, trung bình thường 100-200Y # 15-30$). Bpk hỏi “Vé này vào 1 lần hay nhiều lần”. Anh chàng bán vé hỏi "Mày muốn bao lâu". Bpk nói “1 tháng”, cho nó chắc (!). Kinh quá, cậu chàng viết cho bpk mấy dòng trên vé để ra vào trong 1 tuần. Sau đó, nếu muốn ra vào cả tháng thì phải vào văn phòng chính trong phố, nộp 2 tấm hình để làm thẻ!!! Okie, vụ này từ từ tính, nếu có nhu cầu thực sự!... Kể lể vài dòng dzụ án đi bụi một mình để pà kon xem đỡ buồn ngủ hén.



PA300267.jpg


Đầu phố có bia đá di tích Unesco đấy.





PA300257.jpg


Con đường nhỏ, nắng mãi tìm cách cũng không vào được





PA300260.jpg


Rồi nắng cũng len vào nơi con đường rộng. Đường rực rỡ vì nắng hay vì vải đỏ?





PA300258.jpg




PA300261.jpg


Đồ lưu niệm ở Tachupal



Bhaktapur là 1 trong 3 kinh thành của các vị vua của vương triều Malla, cùng tồn tại song song. Cả 3 đều là di tích được Unesco công nhận. 2 kinh thành còn lại là Kathmandu và Patan. Kathmandu với Durbar Square, "Thành phố nghệ thuật Patan" thì các bạn trong diễn đàn đã đề cập nhiều. Có dịp, bpk sẽ lướt qua. Với bpk, Bhaktapur ấn tượng và đẹp hơn 2 nơi kia. Lý do đầu tiên là ở đây ít người hơn, cả tây lẫn ta, do vậy không có chuyện kẹt xe, bụi bặm như ở Kathmandu…. Tiếp nữa là nó rộng rãi hơn, giữ được nét cổ kính hơn và các kiến trúc lại rất hoành tráng... Có thể, nhìn chung thì các nơi hơi giông giống, nhưng thực chất, chúng rất khác và có những nét rất đặc sắc riêng.



(tbc.)
 
Kinh thành thứ 3 Vương triều Malla, Bhaktapur lộng lẫy - 2 (Cont.)



Xe bus địa phương quẳng bpk xuống cổng phía đông của Bhaktapur. Trước đó, từ trên xa lộ, cảnh quan hùng vĩ của Bhaktapur đã phô trương rực rỡ qua những đền đài xưa cũ hiên ngang đâm toạt trời xanh, như những nét bút vẽ vào mây trắng. Từ cửa đông Bhaktapur, đi đến quảng trường chính, cũng mang tên Durbar Square mất gần 0,5 – 1.5km, tùy theo con đường bạn chọn, đi thẳng hay vòng vèo để la cà. Và con đường đi len lỏi, miên man qua những đền đài xưa, thôn xóm cũ nhộn nhịp ngày vui Tết. Cũng may mắn là bpk đi xe local dừng ở bến đó chứ nếu đi taxi hay minibus thì dừng ngay ở cổng bắc, vào thẳng Durbar Square thì khả năng lê la đến cổng đông, thời gian dành cho khu vực này chắc cũng ít.



Ngày trước, Bhaktapur nằm trên con đường giao thương với Tibet từ thế kỷ XII. Phần xưa nhất của kinh thành cũ không phải ở khu Durbar Square mà chính là phố Tachupal, nơi gần cổng đông của thành phố (nơi bpk bị quẳng xuống đó!). Đến TK XIV-XVI, kinh thành Bhaktapur trở nên hùng mạnh hơn 2 kinh thành Kathmandu & Patan, và lúc này khu vực hoàng cung mới và quảng trường Durbar Square bắt đầu được xây dựng. Vào thời hoàng kim nhất Bhaktapur có đến 172 đền đài và tu viện (trong diện tích chưa đến 7km2)! Hoàng cung Bhaktapur tại Durbar Square được duy trì từ TK XV đến giữa TK XVIII, lúc quốc vương Prithvi Narayan Shah, đến từ Gorkha, đã chiến thắng và hợp nhất cả 3 vương triều Mala lại (năm 1769) thành quốc gia Nepal ngày nay. Quốc vương Shah đã dời kinh đô của mình từ Gorkha nhỏ bé về Kathmandu và từ đó, nơi này trở thành kinh đô của Nepal. Về việc này, bpk sẽ bổ sung thêm chi tiết khi cùng bạn đến thăm về Gorkha, nơi xuất thân của những chiến binh oai hùng – cho đến tận ngày nay.



Bhaktapur rộng hơn và có nhiều quảng trường nhất. Ngoài Durbar Square, BTP còn có phố cổ Tachupal, Taumadhi, (đều nằm trên con đường giao thương đến Tibet ngày trước), các quảng trường Đất sét, nhiều hồ nước rộng khác… (ngày trước có đến 77 hồ!).



PA300262.jpg




PA300265.jpg


Đền đài ở phố Tachupal



Phố Tachupal, vùng xưa nhất ở Bhaktapur có những ngôi đền thật cổ xưa, những mái nhà giờ đây cỏ phủ càng làm không gian nơi đây thật xưa. Những người dân trong trang phục cổ truyền, những em bé Nepal với gương mặt sáng ngời vui vẻ đùa vui trên phố, những người già ngồi trên bậc thềm, nhìn ra phố như nhìn dòng thời gian trôi, nơi bể nước công cộng những cô thôn nữ dịu dàng địu những chiếc bình đồng đi trong nắng gió, sari đỏ e ấp quấn quít đôi chân mềm… Trong nắng say say, cứ tự hỏi là mình đang ở đâu vậy?



PA300297.jpg


Phút nghỉ ngơi của cụ bà quay tơ, trong phố



Bắt đầu từ phố Tachupal, bpk thong thả hòa vào dòng người vui ngày lễ hội. Phố ngày hôm nay rộn ràng những gia đình dẫn các bé đi chúc Tết cô chú dì dượng trong gia đình. Nhưng phố vẫn vắng hơn ở Kathmandu nhiều. Khác với Durbar Square và Kathmandu, có rất nhiều những con hẻm hay những con đường nhỏ ở Tachupal. Và giờ đây chúng đang trở thành những gallery giới thiệu nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ, nắn tượng… của người Nepal. Những con đường be bé, rực màu đỏ của vải lót khung kệ trưng bày của hàng hóa, nắng đôi khi xiên xiên lọt đến, như những đốm lửa đỏ nhảy nhót, làm các bức tranh tượng… càng đẹp rực rỡ thu hút hồn khách du. Ở xa cổng dành cho du khách nên phố Tachupal vắng, ít khách Tây, bpk cứ lững thững rải gót lâng lâng vui cùng những cư dân hiền lành của Nepal.



PA300269.jpg


Bạn có thấy trên băng-rôn có búa&liềm, biểu tượng của phe Maoist bên Nepal



PA300268.jpg


Dân Nepal cũng ham đỏ đen dữ hén, hay chỉ là ngày Tết?



PA300272.jpg


Đường lang thang từ Tachpal qua Taumadhi





Trên đường lang thang từ Tachupal sang phố Taumadhi và Durbar Square, bpk đói bụng quá, đi ngang qua 1 gian hàng nhỏ nhỏ, thấy mấy thanh niên trẻ đang nấu cái gì giống mo-mo của Tibet. Thế là vén màn chui vào cái quán bé tý. Té ra, trong quán còn nhiều món khác nữa nhưng chủ quán không biết tiếng Anh. Thế là bpk xuất chiêu “Nhất dương chỉ” học lóm được từ lão tổ sư Vương Trùng Dương. Không những xuất chiêu một lần mà nhiều lần, thêm món fried-noodle nữa. No căng bụng rồi đứng lên chào chủ quán đi tiếp con đường hành hiệp (!) đến Durbar Square. Không biết làm sao, bpk lại rất hay nhớ các tiểu tiết liên quan đến ăn uống này trên bước đường lang thang.



PB030775.jpg


Spam ảnh lãng nhách - Ai mua kèn không? Các ca sĩ siêu sao nhà mình tập thổi kèn này vài ngày là khỏi hát nhép!



(tbc.)
 
Kinh thành thứ 3 Vương triều Malla, Bhaktapur lộng lẫy - 3 (Cont.)



PA300273.jpg


Vừa đến Taumadhi. Taumadhi Square nhìn từ góc bên trái của đền Nyatapola





Đến phố Taumadhi khi nắng trưa đã xê xế. Trời vẫn trong xanh và mây trắng vẫn lững lờ. Dẫn đường cho bpk giờ đây không phải là bản đồ trong LP mà chính là nét son của ngôi đền Nyatapola. Ngoài Durbar Square và cung điện hoàng gia cũ, điểm cuốn hút đặc biệt của Bhaktapur là ngôi đền 5 tầng Nyatapola, cao 30m là ngôi đền cao nhất Nepal với kiến trúc Newari đặc sắc. Ngôi đền này để thờ nữ thần Laskhmi, không cho những người ngoại đạo viếng bên trong. Ở những bậc thang trước cổng đền là những linh thần của Hindu giáo, với những sức mạnh vô biên, đứng ở đấy như những vị thần bảo vệ cho ngôi đền. Thế nhưng, những em bé Nepal hồn nhiên lại chinh phục sức mạnh thần kỳ này rất đơn giản, cứ trèo lên ngồi chễm chệ trên các vị thần. Có lẽ các bé chiến thắng dễ dàng các vị bằng sự ngây thơ trong trắng của mình. Ngôi đền này có thể thấy từ rất xa, như 1 ngọn bút vẽ vào bầu trời xanh Bhaktapur. Được xây dựng từ 1702, ngôi đền rất kiên cố và rất ít bị tác động bởi trận động đất lớn ở Nepal năm 1934. Bạn có thể thấy hình ảnh ngôi đền này rất nhiều trong các bức tranh, bưu thiếp hoặc lịch về Nepal.



PA300274.jpg




PA300275.jpg




PA300305.jpg


Đền Nyatapola, trong nắng trưa và chiều muộn



Đối diện với đền Nyatapola là Café Nyatapola, trước kia vốn là 1 ngôi đền nhưng hiện đã được sửa thành quán café - bar, với một phần lợi nhuận được đóng góp vào kinh phí hoạt động của bệnh viện địa phương. Nhưng bpk không lên đó ngồi, tự nhiên sao thấy không thích dù du khách chen chúc ở đó rất nhiều, nhất là khách TQ hay Nhật Bản. Bpk cũng thấy mấy bạn “tóc vàng hoe” chỉ ngồi lang thang uống bia ngoài quảng trường? Cũng không tiện hỏi các bạn ấy là không thích lên đó vì tiết kiệm hay vì không muốn ngồi lên trên 1 di sản văn hóa?!



PA300278.jpg


Một ngôi đền kế bên đền Nyatapola



Ngồi trên cao từ các nhà hàng đó, nghĩ cũng hay hay nhưng bpk thấy ngồi bên dưới lề đường, trong bóng râm của đền đài thành quách, gần gũi với bà con, chọc giỡn với các em bé (dễ thương nhưng tội nghiệp vì bị vào đời sớm quá).. với giá beer chỉ 1/3... thì thà ngồi ở dưới uống 3 chai còn hơn lên trên cao đó uống 1 chai, mà còn không phải ngồi trên di sản của tiền nhân. Bạn nghĩ sao?



(tbc.)
 
Kinh thành thứ 3 Vương triều Malla, Bhaktapur lộng lẫy - 4

Kinh thành thứ 3 Vương triều Malla, Bhaktapur lộng lẫy - 4

(Cont.)





Kế bên phố Taumadhi, đền Nyatapola là quảng trường Dubar Square, nổi tiếng với cung điện hoàng gia, ngôi nhà 55 cửa sổ, viện bảo tàng nghệ thuật Nepal, tượng vua King Bhupatindra trước cung điện và cơ man nào là các đền đài.... Cung điện hoàng gia thì không cho khách ngoại đạo vào nên bpk chỉ đứng nhìn xa ngó nghiêng. Các đền đài thì nhiều vô số kể, nội đọc tài liệu không cũng đủ mệt rồi chứ nói chi đến việc đi chăm bẵm dòm ngó soi xét. Do vậy, bpk cũng chỉ đi lang thang, nghe lóm các HDV cho các đoàn khác giới thiệu cho khách đoàn, chụp hình các em bé, các đền đài, các linh thần trước chùa, đền đài, các đền đài uy nghi trong nắng trưa và huyền bí khi chiều muộn đổ xuống. Thời gian còn lại là ngồi chơi dưới bóng râm của các đền đài, chiêm ngưỡng, nhìn nắng Nepal mùa thu chầm chậm trượt trên quảng trường, kể cả những bóng-nắng-sari-đỏ của các cô gái Nepal dịu dàng điểm hoa trên quảng trường.





PA300316.jpg


Đền đài trong Durbar Square



PB030776.jpg


Nhà 55 cửa sổ của Durbar Square



PA300313.jpg


Cổng vào Cung điện Hoàng gia



PA300314.jpg


Quốc vương Bhupatindra Malla trên cao nhìn xuống thần dân



PB030787.jpg


Đôi sư tử (?!) hay kỳ lân (?!) đá oai hùng trước Viện bảo tàng nghệ thuật ở Durbar square





PB030810.jpg




PB030774.jpg


Linh thần dễ dàng bị chinh phục!!! Ai ngon hơn ai nào?



(tbc.)
 
Kinh thành thứ 3 Vương triều Malla, Bhaktapur lộng lẫy - 5 (Cont.)



Loanh quanh ở Durbar Square đã đời, bpk lò dò men lối xưa rêu phong cỏ úa gạch mòn lần mò qua Quảng trường Đất sét. Quảng trường Đất sét ở đây khác hẳn làng gốm Bát Tràng, ở mức độ thương mại hóa lẫn "nghề nghiệp" làm gốm. Bé xíu, bụi đầy, ít mẫu hàng hóa, ít người chèo kéo chào hàng ... vẻ đẹp của quảng trường này là những mái nhà rêu phong cỏ mọc vây quanh, những đụn lúa đang phơi của mùa vụ và những chiếc nong đang được các mẹ, các chị luôn tay sàng sảy thóc làm bụi lúa lẫn bụi tro từ các lò nung bay lan man đất trời khi có những cơn gió mạnh ùa về. Ở đây, các cửa hàng rất giản dị, từ quầy kệ đến cách kinh doanh, khác xa cảnh mời chào chèo kéo hay gặp ở các nơi du lịch khác. Những chiếc bình, chiếc lọ hay những vật dụng được làm từ đất sét cứ được bày biện 1 cảnh cẩu thả trên quầy kệ hay treo tòng teng đong đưa trên những giá gỗ thô mộc, hay ngay cả trên cánh cửa sổ, cửa lớn... Khách đến thì thường các bé gái ra đón tiếp và bán hàng vì các bé nói tiếng Anh tốt. Còn chủ nhà cứ lụi cụi làm tiếp công việc của mình hay còn bận bịu canh chừng rồi thi thoảng lại tất tả chạy ra xua đuổi mấy chú cún con đang lí lắc nô đùa vờn nhau làm tung tóe đống lúa đã khô, đã vun lại nhưng chưa kịp cho vào bồ.





PB030766.jpg


Cách làm gốm thủ công ở Quảng trường Đất sét



PB030767.jpg


Đang hứng từng giọt nắng hay rải từng hạt nắng?!





PA300298.jpg


Quảng trường Đất Sét, ngày mùa, gốm nhường chỗ cho lúa





Cách làm gốm ở đây lại giống Bàu Trúc, người nghệ nhân cứ đi vòng theo đồ vật đang làm mà nắn mà ve mà vuốt... chứ không dùng bàn xoay nên các sản phẩm rất mộc mạc. Mà họ cũng giỏi thật, bpk mà đi xoay tròn như vậy chắc khoảng 5-6 vòng là ù tai hoa mắt lăn quay ra rồi! Đúng là nghệ nhân có khác, ai lại đi so sánh với cái thứ lang bạt kỳ hồ ?! Gốm làm xong thì cứ đem ngay ra quảng trường ngay đấy mà phơi, gặp mùa gặt nên lũ gốm màu nâu nâu hiền hiền vốn đã giản dị khiêm tốn với cái màu đất quê quê của mình nay càng phải khép nép sang bên, nhường chỗ cho đám thóc vàng rực thơm tho phô phang dưới nắng. Cảnh vật vẫn như ở thời nảo thời nao, không gian cứ như mắc kẹt đâu đó trên đền đài nên ngưng đọng nơi đây… nếu lâu lâu không có 1 chiếc xe gắn máy chạy tọt qua để lại tiếng máy xe ồn ã vô duyên lạc lõng giữa 1 chiều quê yên bình. Các anh chị Tây rất thích nơi đây vì vẻ mộc mạc làng quê và mải mê chiêm ngưỡng cách làm gốm mộc mạc của những-nghệ-nhân-dân-làng, xem rất đông và mua nhiều những món quà lưu niệm mà biết chắc rằng chúng không thuộc nhóm hàng đẹp đẽ sắc xảo nhưng giống nhau như tạc, giống cả đến vẻ vô hồn của chúng nữa… đến từ người đại ca láng giềng Trung Quốc. Mình thì chỉ thích chút chút vì khả ... nên sau khi lảng vảng đá chó chọc mèo đuổi gà rượt vịt… ở quảng trường... lại chui tiếp vào các hẻm hóc trong làng, ngó nghiêng các cô thôn nữ rảnh rỗi đang say sưa tám với nhau từ trên các cửa sổ cao cao hoặc các cô khác đang cần cù địu nước về nhà bằng các chiếc lọ đồng. Cảnh mà ngày xưa hay xem trong mấy phim India đầy những màn ca nhảy hát múa. Cũng ngộ ngộ, hay hay!!!





PA300299.jpg


Giải trí chờ gốm khô?!



PA300300.jpg


Mải mê tám từ trên cao



PA300301.jpg


Trong khi bạn bè phải đi địu nước



PA300303.jpg


Cửa hàng đơn sơ trong quảng trường Đất sét





(tbc.)
 
Kinh thành thứ 3 Vương triều Malla, Bhaktapur lộng lẫy - 6 (Cont.)



PA300288.jpg


Quảng trường Durbar Square nhìn qua cổng vào phía Bắc).



PA300322.jpg


Hồ Navpokhu xưa nay vẫn còn




PA300321.jpg


Sân phơi ngày mùa, bên hồ Navpokhu





PA300329.jpg


Bóng chiều đã xuống ở Durbar Square






PB030812.jpg


Rồi chiều cũng xuống, trên hồ, bên ngoài thành





Lang thang trong thành cổ Bhaktapur hoài không thấy chán. Bpk hết đi lòng vòng lại ngồi lê, hết ngồi lê lại đi lòng vòng. Hết Everest lại Nepal Ice, lại thêm 1 Tuborg nữa chứ. Chưa kể là Bhaktapur còn nổi tiếng với King Yoghurt, thế là bpk cũng chơi luôn, 2 bát. Hết trong thành lại ra ngoài thành, hết leo lên lại trèo xuống... thế mà chiều xuống hồi nào chẳng hay.





Ngồi trong nắng nhẹ buổi chiều cuối thu, ngắm bóng chiều đổ xuống kinh thành xưa cảm giác thật lạ. Chim bay về nháo nhác trên các đền đài. Nắng vàng thật dịu. Bóng sari đỏ của các cô gái Nepal cũng dịu hơn trong nắng chiều. Đền đài xưa cũ nhạt nhòa đây đó, gió thật nhẹ nhưng đủ lạnh, những gánh rơm đầy đang tất tả kẽo kẹt trên đường về, bóng mây, bóng núi soi xuống hồ xanh đã chuyển vàng trong ráng muộn, dãy Hymalaya xa xa thì thầm thở về những cơn gió lạnh... Ccảm giác cô đơn và chơi vơi nhưng lại làm bpk không muốn về. Nhưng rồi cũng phải về thôi. Chia tay Bhaktapur và hẹn sớm gặp lại.



PB030808.jpg


Bóng chiều đang đổ xuống, chầm chậm trong quảng trường.



PB030800.jpg


Hoàng hôn muộn lắm rồi nhưng người còn luyến tiếc chưa muốn rời Bhaktapur




Và sau đó, bpk lại có dịp quay lại Bhaktapur vào một chiều muộn khác, trên đường con đường lang thang cuốc bộ 6km về từ ngôi đền Changu Narayan. Biếng nhác vào chốn cũ, thả người và hồn theo nắng gió Nepal những ngày xanh mơ màng. Chiều thu Bhaktapur nao cũng êm đềm và thanh bình quá. Hoàng hôn lúc nào cũng về thật chậm nơi đây. Bóng thành quách đền đài rực rỡ trong ráng đỏ huyền hoặc của chiều thu xanh cứ chầm chậm luyến tiếc chẳng muốn rời nơi đây, cũng như lòng kẻ lang thang đang ngất ngưỡng bên chiều.





Biết khó lòng được quay lại Bhaktapur sau 2 lần, bpk nuối tiếc lần lữa mãi, chẳng muốn rời, dù chiều xanh đã sang đêm chập choạng. Nhưng biết làm sao. Cuộc vui nào chẳng có lúc tàn, gặp gỡ nào chẳng có lúc chia tay, quan trọng là những gì còn lại, sau đó, trong tim…
 
icon1.gif
Bodhnath, miền đất Phật bình yên & ấm áp - 1



Như phần đông người Việt, dù không phải là tín đồ Phật Giáo, bpk luôn cố gắng hướng về những điều tốt đẹp mà giáo lý nhà Phật đã giáo dục hay khuyên bảo nhân loại hướng về. Trong cuộc sống hay trên bước đường bụi bặm, nếu có điều kiện bpk vẫn ghé thăm viếng những nhà thờ Thiên chúa giáo, Hồi giáo hay của các tôn giáo khác… nhưng những khi có chuyện lầm lỗi, những khó khăn… bpk thường rụt rè bước chân vào chùa, lặng ngồi dưới hiên, trong tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng kinh kệ… và cảm giác lòng trĩu nặng thường sẽ vơi đi rất nhiều. Cũng do vậy, Bảo tháp Bodhnath của Phật Giáo Mật Tông Tibet và những ngôi chùa Phật giáo nằm quanh chính là điểm ngoài Kathmandu đầu tiên mà bpk đến thăm viếng, trong những ngày lang thang ở Kathmandu.





Di tích Unesco, bảo tháp Bodhnath, còn có tên gọi là Boudha, nằm ở phía Đông Kathamndu, chỉ cách Thamel khoảng 6km, là 1 trong những bảo tháp lớn nhất thế giới. Thật ra, Bodhnath là tên của ngôi làng, giờ đã lên phố, nơi ngôi bảo tháp tọa lạc. Ngôi làng này là trung tâm Phật giáo của người lưu vong Tây Tạng tại Nepal. Rất nhiều những ngôi chùa theo phong cách Tây Tạng vây quanh bảo tháp cũng như nằm rải rác trong vùng. Đến đây, chúng ta có thể thấy rất nhiều bóng cà sa đỏ trên đường phố cũng như những ngôi chùa với mái lấp lánh ánh kim, những bức trướng theo phong cách Tây Tạng phủ trước cổng chùa… và cả những đoàn khách hành hương Tây Tạng, vừa thành kính quay bánh xe may mắn, vừa đọc kinh, vừa đi vòng quanh bảo tháp, thật nhiều, thật nhiều vòng…



PB050130.jpg


Bảo tháp Bodhnath



Ngày trước, Bodhnath nằm trên con đường giao thương từ Kathmandu đến Lasha, được xem như là cửa ngõ ra vào Kathmandu của các khách thương Tây Tạng. Không khó để hiểu đây là nơi các thương nhân Tây Tạng tỏ lòng biết ơn sự che chở của ơn trên giúp họ vượt qua được bao nhiêu khó khăn trên đường xá xa xôi hiểm trở của dãy Hymalya khắc nghiệt và huyền bí để đến được Kathmandu, cũng như là nơi họ chân thành khấn nguyện cầu mong cho một chuyến trở về chân cứng đá mềm. Đến thế kỷ 20, những người mạo hiểm muốn chinh phục Hymalaya, Everest, kể cả người ngoại quốc và những người Sherpa dẫn đường… cũng đến đây khấn nguyện cho 1 chuyến đi an bình và thành công… Rồi đến những ngày binh biến tang thương, khi chính quyền TQ tiến lên “giải phóng” Tây Tạng, cuộc nổi dậy bất thành của người Tây Tạng yêu nước những năm 1959… những người Tây Tạng lưu vong đã tập trung về nơi chốn thiêng liêng ngày trước của cha ông để xây dựng 1 làng Bodhnath trù phú như ngày nay. Ở đây, ngoài người Tây Tạng và Nepal, còn tập trung 1 số lượng đáng kể những tu sĩ Mật Tông người nước ngoài, đến đây để học đạo và để tu hành, mong cho một thế giới ngày càng yên bình.



PA260588.jpg


Từ Kathmandu chật chội...



PA260591.jpg


... Đến một Bodhnath yên bình, khuất sau 1 con đường



PB050135.jpg




PB050128.jpg


Các chùa Tibet và tu viện quanh bảo tháp





(tbc.)

Last edited by backpackervn; 17-07-2009 at 03:13 PM.

 
Bohdnath, miền đất Phật bình yên & ấm áp - 2

(cont.)



Ở Bodhnath, nơi bảo tháp hiện nay tọa lạc, bảo tháp đầu tiên được cho là xây dựng vào những năm 600 A.D. do 1 vị hoàng tử đã xây dựng nên để tỏ lòng sám hối về việc đã vô tình giết chết vua cha. Thế kỷ thứ VII cũng là thời gian đức vua Tây Tạng Songtsen Gampo đã cải đạo sang Phật giáo nhờ 2 hoàng hậu cũng theo đạo Phật là công chúa Bhrikuti của Nepal và công chúa Văn Thành, TQ. Bảo tháp hiện nay được xây dựng lại vào thế kỷ XIV, sau những cuộc chinh chiến, tàn phá và cướp bóc của những quốc vương đến từ vùng Bengal, Ấn Độ.





Đi từ bến xe Ratna Park lên đây mất chỉ 8-10Rp, nhưng hôm bpk đi, phải trả đến 18Rp (mất đến những 8Rp # 2.000VND!!!) vì đó là hôm bpk đi xe bus công cộng đầu tiên từ Thamel nên chưa quen việc “xử lý” việc bị “cắt cổ”.



PA260596.jpg


Bảo tháp trong ngày thu Nepal xanh ngời



Lần đầu tiên lò dò rời khỏi Kathmandu, bpk men theo dòng người đông đúc lên đến Durbar Square, đến đền thờ Shiva trong quảng trường, rẽ trái ngay trước cung điện của Nữ thánh đồng trinh Kumari, đi mò mẫm lon ton theo con đường bên hông Cung điện hoàng gia, ra đến đường New Road, chen chúc trong dòng người đông đúc lần mò đến công viên Ratna Park. Bến xe ở phía bên kia công viên, thay vì băng ngang qua con đường mòn cắt giữa công viên (mà sau này bpk mới biết), bpk lại đi vòng lên đầu kia công viên vòng lại xa lắc. Lớ ngớ hỏi thăm và dí vào mặt các bạn lơ xe chữ Bodhnath, bpk được đẩy lên 1 chiếc xe bus địa phương, lúc đầu còn tương đối trống trải. Chờ khoảng 15p, kín khách, xe bắt đầu chạy, vừa chạy lại vừa đón khách, chỉ lát sau, bpk phải đứng dậy nhường chỗ cho 1 chị kia. Lát sau nữa, xe đầy đến mức không còn cả chỗ đứng trong xe. Dân tình bu đầy ở cửa xe phía sau xe (xe trong thành phố không được lên mui xe ngồi). Bpk bị đẩy tít vào trong, bị chèn ép bẹt gí, may mà người Nepal ít mùi lại không to con lắm, chứ như người Ấn độ thì chắc bpk lúc đó đã vật vã lăn đùng ra ngộ độc mùi luôn rồi (!). Chẳng ngại gì vì ngày xưa ở quê nhà cũng quen rồi, chỉ lo ngại về sự an toàn cho cái túi mà thôi nên cứ khư khư giữ lấy nó, mặc cho người tự do ngả nghiêng theo sự xô đẩy của đám đông chặt cứng người là người mỗi khi xe chạy nhanh, thắng gấp. Đến gần Bodhnath, bác tài dừng lại, tên lơ xe lôi mọi người đứng ngoài ra để bpk bước xuống, lúc đó trên xe mọi người xì xầm, bpk không hiểu nhưng đại loại là đi Bodhnath sao đi xe này vì hình như xe này còn đi đâu đó xa lắm, mà còn đứng ở trong không chịu ra sớm… bpk có biết đâu là đâu mà ra sớm để xuống xe hén? Chắc quần chúng trên xe cũng “tám” nhiều giống bà con quê mình rồi. Như vậy là đã có trải nghiệm đầu tiên về đi xe bus địa phương ở Kathmandu rồi, cũng vui. Lúc xuống xe, bpk còn hơi choáng váng nên đưa tờ 50Rp, bạn lơ xe chỉ đưa lại 32Rp, xem như mình tip cho bạn ấy 10Rp vậy. Dù sao bạn ấy cũng nhiệt tình giúp bpk, lúc còn ở trên xe, bạn ấy luôn yêu cầu mọi người nhường ghế cho (khách ngoại quốc!?) bpk nhưng bpk lại không tiện ngồi khi thấy chị kia lại đứng, nên cũng đứng với bà con cho vui vậy.





PA260623.jpg


Những người mộ đạo quỳ lạy.



PA260624.jpg


Trên những tấm ván đã mòn nhẵn vì thời gian và lòng thành kính



PA260629.jpg


Bên ngoài, dòng người mộ đạo khác vẫn đều bước




Xuống xe ở 1 con đường đông đúc nhộn nhịp, bpk ngơ ngác nhìn quanh, chẳng thấy dấu hiệu nào của bảo tháp mà nghe nói rất to lớn. Chẳng lẽ ku tí lơ xe bịp mình?! Đi thêm vài bước, bpk tọt vào 1 cửa hàng bên đường hỏi thăm thì được chỉ là đi thẳng tiếp rồi rẽ trái. Chỉ bước thêm qua vài căn nhà nữa, bỗng dưng bpk thấy 1 con đường nằm ẩn sâu bên trong và nhìn thẳng vào bảo tháp nằm oai nghiêm. Khi bước chân vào bên trong, mọi ồn ào bức bối ngoài kia như biến mất, bpk ngỡ như mình vừa trở lại Tây Tạng huyền bí.



PA260600.jpg




PA260602.jpg


Các tranh vẽ trên tường trong các ngôi chùa Tây tạng



PA260604.jpg


Tượng nữ thần Tara trong chùa, bên dưới là hình Đức Dalai Latma 14



(tbc.)
 
Bohdnath, miền đất Phật bình yên & ấm áp - 3 (cont.)





Bảo tháp oai nghiêm nằm ngay giữa quảng trường. Về kiến trúc tổng thể, bảo tháp cũng giống như ở chùa Swayambhunath, với hàng bánh xe mani chạy vòng ôm theo phần đế bên dưới, tháp tròn bên trên, với 2 con mắt ở mỗi cạnh tháp vuông trên cao, con mắt thứ 3 ở giữa, trên cao là tháp 13 tầng… Chỉ khác là ở phần chân của tháp tròn, có nhiều khoảng trống cho những người dân mộ đạo đến quỳ lạy khấn vái, cũng như là nơi ngồi đọc kinh của các vị sư lẫn các chú tiểu. Trên cao, các cờ phướn Tây Tạng bay phần phật trong gió mùa thu, phía dưới đoàn người đỏ trong sắc áo cà sa Tây Tạng mải miết thành kính đi vòng quanh bảo tháp. Trong các hàng quán, bài tụng ca Om Mani Padme Hum trầm ấm cứ thủ thỉ rót vào lòng khách du những tiếng ru kinh kệ, mong làm nhẹ đi những nhọc nhằn của một kiếp người.





PB050139.jpg


Chùa Tây Tạng ở Bodhnath



PA260615.jpg


Một bức tranh rất lạ trong một ngôi chùa Tây Tạng



PA260626.jpg


Một bảo tháp nhỏ khác gần bên




Truyền thuyết cho rằng bảo tháp có chứa xá lợi của Đức Phật. Bpk không biết chắc, nhưng Phật là ở Tâm mà. Có xá lợi hay không người phàm mắt thịt như bpk sao biết được, chỉ biết là Phật ở muôn nơi, không chỉ ở những nơi có dấu tích của Người. Xung quanh bảo tháp chạy tròn những bánh xe cầu nguyện nhẵn bóng vì luôn được quay tròn bởi bàn tay thành khẩn của những tín đồ. Bên ngoài bảo tháp, bên trong bức tường, ở các tầng trên của bảo tháp… luôn có những Phật tử mộ đạo quỳ lạy liên tục theo kiểu vái lạy chân thành của người Tây Tạng, cách lạy mà tứ chi và trán của người lại đều tiếp đất. Họ chân thành quỳ lạy trên những tấm ván, tấm đệm mang theo, cũng đã nhẵn thín, chứng tỏ sự thành kính cũng đã trải qua thời gian, rất dài.





PA260617.jpg


Tranh trên tường trong chùa Tây Tạng, bạn nào đi Tây Tạng rồi chắc chắn nhận ra hình của ai trên tường



Xung quanh bảo tháp có rất nhiều chùa chiền Tây Tạng khác. Và cả những tu viện như Tsamchen Gompa, Tamang Gompa, Samtenling Gompa… nhưng phần lớn đều đóng cửa vào ban ngày. Còn các chùa chiền vẫn mở cửa cho khách vào khấn vái, cầu phúc, xin quẻ, cúng dường… Có cả 1 ngôi chùa rộng mở cho khách lên sân thượng trên tầng 3, ngắm hoàng hôn miễn phí thay vì phải sang các roof-top café.





PB050133.jpg


Chùa Tibet vàng rực rỡ trong nắng cuối ngày



PA260611.jpg


Bên trong một ngôi chùa Tây Tạng




(tbc.)
 
Bohdnath, miền đất Phật bình yên & ấm áp - 4 (cont.)





Và đến Bodhnath, cũng không thể không kể đến những hàng quán vây tròn quanh bảo tháp, góp phần tạo nên 1 không khí rất “Tibet” nơi đây. Mở những bài nhạc Tibet hay tụng ca Om Mani Padme Hum, bày bán đầy những bức thangka đẹp rực rỡ, những bánh xe mani, lucky-bell, chày kim cương, trống cầu nguyện, chén và chày Tây Tạng, tranh tượng về Lasha, Potala, chùa Jokhang… với những người bán trong trang phục và cả gương mặt không thể lẫn vào đâu của người Tạng… những hàng quán này đã góp phần làm nên một Bodhnath rất “Tây Tạng”.



PB050126.jpg


Hàng quán Tây Tạng quanh bảo tháp



Chiều muộn là thời gian tốt nhất trong ngày để viếng Bodhnath, khi những đoàn khách đi theo tour ồn ào ầm ĩ nhốn nháo đã lên xe về phố, trả lại Bodhnath yên bình cho người Tây Tạng, cho những người mộ đạo. Giờ, chỉ còn những đoàn người mộ đạo, cả tu sĩ lẫn khách hành hương lẫn những người dân lành ghé ngang khấn vái trước khi về nhà hoặc cả khách giang hồ bụi bặm… đi vòng quanh bảo tháp trong tiếng Om Mani Padme Hum vang vang trong không gian, tiếng chuông chùa trầm bỗng,… khi bóng hoàng hôn đổ xuống bảo tháp vàng óng trong chiều. Bpk cứ ngỡ như hôm nào đang ở Jokhang, cùng đoàn người đi quanh chùa, trong phố Bakhor.



PB050124.jpg




PB050123.jpg


Ngày muộn ở bảo tháp – chiều đã mây vần vũ



Chiều đã xuống thật sâu. Bảo tháp giờ yên bình hơn vì phần lớn du khách đã ngược về phố thị. Bpk không lên café roof-top ngắm trời chiều, chỉ leo lên chân bảo tháp bó gối tư lự trong hoàng hôn. Những buổi hoàng hôn ở Bodhnath là hoàng hôn không rượu chè bia bọt nhưng cảm giác cứ lâng lâng thật lạ. Một mình, dưới bóng chiều muộn hiu hắt vàng, bảo tháp trắng ngất ngây, những ngôi chùa, tu viện Tây tạng chung quanh bảo tháp có mái lấp lánh ánh kim càng lúc càng rực rỡ khi chiều xuống. Bên dưới, dòng người mộ đạo vẫn chậm rãi bước, mải mê bước, từng bước, từng bước… như họ vẫn âm thầm nhẫn nại bước, từ ngàn đời.



PB050137.jpg




PB050138.jpg


Dòng người mộ đạo thành kính, vừa đi vừa lần tràng hạt hay quay bánh xe cầu nguyện





Bpk đến Bodhnath 2 lần, lần đầu khi vừa đến Kathmandu, lần thứ 2 là sau khi viếng đền Hindu Pashupatinath trở về. Lần nào bpk cũng ở đến chiều rất muộn mới về, nhưng cảm giác của 2 lần đến Bodhnath rất khác. Lần đầu là niềm vui hân hoan được viếng 1 di tích Unesco, gặp lại một Tây Tạng mến yêu ở ngoài Tây Tạng.



PA260621.jpg


Hoàng hôn ở Bodhnath



Lần sau, là khi bpk quay về từ Pashupatinath, sau gần cả buổi ngồi bên bờ dòng sông thiêng Bagmati nhìn lễ hỏa táng của người Hindu bên kia sông. Đầu óc cứ quẩn quanh bởi sự mong manh của phận người, vướng víu hình ảnh những thân xác cháy tàn trong lửa khói, những đám khói chẳng biết có mang theo hồn phách không mà sao vẫn luyến tiếc quẩn quanh mờ bên sông, những tàn tro còn lại của kiếp người bập bềnh trên sông nước trôi về đâu… khi trở về Bodhnath, lặng lẽ hòa mình trong dòng người đi vòng quanh bảo tháp cầu nguyện bpk cảm thấy lòng nhẹ hơn rất nhiều. Ngồi, thinh lặng trong bóng chiều đã nhập nhòa, trong tiếng gió đêm phần phật đùa với hàng cờ phướn trên cao, tiếng kinh kệ ngân nga, bài tụng ca văng vẳng đâu đó… bpk chợt thấy thật an bình, ấm áp, dù đang lang thang đơn độc xa quê nhà hàng ngàn cây số.









Để khi đêm chùng sâu, bpk lại thong thả về Kathmandu, luôn nhớ về một đêm thu xanh lãng đãng, với tiếng chuông chùa, bàng bạc, xa vắng, trôi….
 
Ngày chậm trôi trên phố cổ Changu Narayan - 1

Các bạn thấy Kathmandu thế nào? Cũng đền đài giông giống nhau, cũng những phố phường na ná, bầu trời thu ngày nào cũng xanh xanh như nhau… phải không? Bpk chỉ sợ, cứ vòng đi vòng lại nhiêu đó làm bạn phát chán, mai mốt không còn ham muốn đi Kathmandu nữa thì mình lại có tội (!). Còn bpk thì lúc nào cũng nhớ quắt quay nơi này, mãi mong có ngày được trở lại những ngày biếng lười hạnh phúc nơi đây!!!



Hôm nay, mình sẽ cùng đi thăm một trong những ngôi đền cổ xưa nhất Nepal nhé, Changu Narayan.



Changu Narayan chỉ là một ngôi đền nhỏ, nằm lọt trong 1 xóm cũng nho nhỏ, không phải là một quần thể các kiến trúc đền đài hoành tráng như Durbar Square ở Kathmandu hoặc Bhaktapur. Nhưng với nét đặc sắc riêng của mình, thêm vào giá trị thời gian, Changu Narayan cũng là 1 trong 7 di sản văn hóa Unesco – được nhắc đến rất nhiều trong guidebook cũng như của người dân Nepal trong những ngày bpk thơ thẩn ở Kathmandu. Hôm nay chúng ta sẽ cùng đến thăm di sản văn hóa thế giới đó!



PB030648.jpg


Hụt một cái đám cưới trên đường quê Nepal (đang ngồi xe bus).





Đến Changu Narayan, có nhiều cách. Nếu đi từ Kathmandu, bạn phải đến Bhaktapur, rồi từ đó mới đi bộ, hoặc đi xe thêm 6km nữa để đến đó. Nếu bạn đi xe bus địa phương từ bến xe Ratna Park, Kathmandu xe sẽ dừng lại tại cổng đông thành Bhaktapur, như bpk có đề cập trước đây. Đến đó bạn cứ đi thẳng tiếp, gặp một ngã 3. Nếu bạn rẽ phải khoảng 20m, sẽ gặp bến xe đi Nargakot, đối diện 1 cái chợ nhỏ. Còn rẽ trái, đi thêm khoảng 200-300m, bạn cũng sẽ gặp một ngã 3 khác, nơi có nhiều người dân đang tụ tập. Hãy tham gia chờ xe cùng họ, bạn sẽ được lên chuyến xe đi Changu Narayan. Quãng đường chỉ khoảng 6km, bạn có thể đi bộ đến nơi và về. Có nhiều khách du lại đến Changu Narayan bằng cách trekking từ Nagarkot, xuôi xuống từ view-point của Nagarkot. Bpk hôm ở Nagarkot đã xuôi ngược từ Nagarkot lên xuống view-point 4 lần, tự xem là cũng đã “trekking” rồi nên chẳng mặn mà lắm với phương án đi trekking một mình từ Nagarkot xuôi về đây. Do vậy, bpk nhảy xe bus đến Bhaktapur, phần trekking tính sau. Hôm đó, đến Bhaktapur, cũng hơi trưa trưa và nắng nóng, mà đường đến Changu Narayan thì lên dốc nên bpk đã nhanh chóng ra quyết định, đi lên bằng xe để đến nơi sớm, mát mẻ khỏe khoắn còn nhiệt tình đi chơi. Còn lúc về, trời chiều mát mẻ, sẽ tàng tàng thả dốc lê thân về phố cũng được. Rồi bpk đã thực hiện như vậy, nhất là lúc đi lên, thấy con đường và cảnh vật 2 bên đẹp quá nên càng quyết tâm hơn cho chuyến đi bộ 6km xuống núi trở về.



PB030716.jpg


Thợ cần mẫn làm việc, mặc kệ khách ngó nghiêng làm gì thì làm



PB030725.jpg




PB030651.jpg


Những gallery đơn sơ và ngô xào xạc trên cao




PB030654.jpg


Cỏ mọc trên mái cứ tưởng nhà lợp tranh





(tbc.)
 
Ngày chậm trôi trên phố cổ Changu Narayan - 2 (cont.)



Nằm trên ngọn đồi ở phía đông Kathmandu, ngôi đền cổ này được xây dựng lần đầu vào TK IV. Vào thế kỷ XVIII, ngôi đền được xây dựng lại, chính xác là vào năm 1702, sau 1 trận hỏa hoạn. Tuy nhiên, những tượng đá trong đền được các nhà nghiên cứu cho biết là có niên đại từ TK thứ VI đến TK IX. Ngôi đền này lại ít nằm trong các tour du lịch mà chỉ có dân địa phương hoặc khách lẻ ghé thăm. Những ngày ở Nagarkot hay Bhaktapur, những người dân địa phương luôn hỏi là bpk đã đến viếng đền Narayan chưa làm bpk luôn tò mò về nơi này, nên đã lần mò tìm đến và vô cùng yêu thích ngôi đền nhỏ, trong xóm nhỏ, nơi thời gian như chậm trôi.





Bạn có hình dung, xóm chỉ có 1 con đường duy nhất từ cổng bán vé dẫn ngay vào đến cổng đền. Rẽ ngang rẽ dọc là xuống ngay các bậc thang để xuống dốc vì xóm và đền nằm ngay trên đỉnh đồi. Con đường đó, cũng là con đường nghệ thuật với các hàng quán bán đồ lưu niệm mộc mạc, và cả những quán ăn hết sức đơn sơ nhưng chân tình đong đầy. Khó kiếm được nơi nào đã trở thành điểm du lịch, có trong di sản Unesco mà người dân còn mộc mạc dễ thương đến vậy.



PB030660.jpg




PB030658.jpg


Đền Changu Narayan trong nắng trưa



Bpk đến Changu Narayan vào 1 trưa nắng. Con đường từ Bhaktapur lên đây dốc và bé, chạy ngoằn ngoèo qua các cánh đồng bậc thang sau mùa gặt đang được làm cỏ thật sạch chuẩn bị cho 1 vụ mùa mới. Ì ạch mãi lên dốc, chiếc xe cuối cùng cũng dừng lại dưới bóng cây cổ thụ xanh um, ngay trước con đường dẫn vào xóm nhỏ, nơi ngôi đền Changu Narayan đã nhẫn nại đứng từ ngàn năm trước.





PB030667.jpg




PB030668.jpg




PB030664.jpg




PB030661.jpg






PB030679.jpg


Các bức tượng có niên đại từ TK VI chung quanh ngôi đền



(tbc.)
 
Ngày chậm trôi trên phố cổ Changu Narayan - 3 (cont.)



Changu Narayna hiền hòa, xưa cũ và cổ kính. Theo sử sách, đền được xây dựng vào năm 323 Công Nguyên, dưới triều vua Hari Datta Verma và những dòng chữ chạm khắc quanh đền được xác thực là của đức vua Lichhavi King Mandeva vào năm 464 Công Nguyên. Chưa nói đến ngôi đền, làng cổ quanh đền vẫn giữ được nếp xưa. Như đã nói, chỉ có 1 con đường gạch nhỏ dẫn đến đỉnh đồi, nơi ngôi đền tọa lạc. Con đường chạy giữa những ngôi nhà cũ, chẳng có sửa sang gì dù giờ đây tầng trệt đã là các “gallery” trưng bày và bày bán các tác phẩm của các nghệ nhân Nepal. Mộc mạc làm sao khi bên trên những bức tranh nhiều màu sắc, các thangka rực rỡ… là những túm ngô khô cứ xào xạc thì thầm khi những cơn gió nghịch ngợm ẩn núp từ đâu lâu lâu chạy ào về trong đường vắng. Đi lên con đường dốc, nhìn xuống, bạn còn thấy những mái nhà bên dưới đầy những cỏ khô vàng xơ xác. Cỏ trên mái dày đến mức thoảng nhìn không kỹ bạn sẽ tưởng mái nhà lợp tranh. Chắc những mái nhà này vào mùa mưa sẽ xanh rì cây cỏ chứ không buồn bã ủ rũ như ở những ngày nắng mùa khô này. Chủ nhân các gallery cứ im lặng ngồi làm việc, khách ghé ngó nghiêng thì cũng chỉ mỉm cười chào Namaste chứ cũng không đứng lên chèo kéo.



Đường làng trưa vắng tênh, quán nhà ai đó đang mở bài tụng ca Om Mani Padme Hum nghe thấy “feel” làm sao trong một trưa nắng thu xanh ngất ngây ở Changu Narayan. Thời gian như trôi rất chậm nơi đây, mọi thứ dường như ngưng đọng, chỉ có những lá cờ phướn nhiều màu, bay bay... trong gió thu.



PB030673.jpg


Tượng thần Vishnu đang cỡi chim thần Garuda, có từ TK VII





PB030694.jpg


Tượng thần Garuda quỳ trước cổng đền có niên đại từ rất xưa, từ năm 464 Công Nguyên





PB030680.jpg




PB030670.jpg




PB030671.jpg




PB030676.jpg


Điêu khắc tinh xảo ở các thanh giằng của ngôi đền, kể lại các câu chuyện gì mình chẳng biết (!?) Bạn nào có biết giải thích giúp nhé!





PB030666.jpg


Một ngôi đền nhỏ khác kế bên đền Changu, đền Kileshwor, cũng 2 mái đơn sơ








(tbc.)
 
Ngày chậm trôi trên phố cổ Changu Narayan - 4 (cont.)







PB030695.jpg




PB030682.jpg




PB030662.jpg




PB030674.jpg


Các linh thần sư tử, voi, chim… ở trước các cửa đền



Đền xưa Changu Narayan chỉ có 2 mái, thờ thần Narayan (1 hóa thân của thần Vishnu) có kiến trúc sắc sảo của các bức tượng đá, của ngôi đền, các thanh giằng… mô tả các câu chuyện liên quan đến đạo giáo. Trước đền, còn có cả tượng thần chim Garuda đang quỳ và bàn tay với tư thế chào Namaste, có niên đại đâu từ TK V (Như vậy cách chào của người Nepal dường như không thay đổi sau 15 thế kỷ - và còn có thể lâu hơn thế!!!).





Đối diện với tượng thần Garuda đang quỳ này có trụ đá có khắc những chữ Phạn (Sanskrit)cổ xưa nhất của thung lũng Kathmandu, từ những năm 464 của đức vua Lichhavi King Mandeva khuyên mẫu thân của mình không hỏa thiêu sau sự băng hà của đức phụ hoàng. Ở 1 góc khác của đền, có tượng thần Vishnu đang cỡi trên chim thần Garuda, mà biểu tượng này hiện có trong tờ tiền giấy 10Rp của Nepal. Trước các cửa khác chung quanh đền đều có các đôi sư tử đá, voi đá, chim thần… oai phong đứng bảo vệ. Trong sân quanh đền, còn có rất nhiều các tượng nằm rải rác, chủ yếu là các hóa thân khác nhau của thần Vishnu. Trong sân cũng có cả tượng vua Bhupatindra Malla và hoàng hậu đang quỳ khấn nguyện trước đền (nhưng tượng vàng này bị đóng lại trong cũi sắt để bảo vệ nên không chụp hình).





Nói chung là những bạn nào yêu thích sự cổ xưa và những giá trị truyền thống sẽ choáng ngợp và dành nhiều thời gian hơn nữa cho ngôi đền nhỏ Changu Narayan này, chứ không như kẻ “khờ khạo lắm, ngây ngô lắm” bpk!





PB030702.jpg


Các mảnh vỡ của ngôi đền, các trụ đá, tượng đá, thanh giằng... đang được phục chế



PB030709.jpg


Chú nhóc Nepali dễ thương và hồn hậu. Ngồi “tám” với bpk đủ thứ, để “practice English”!!! Chẳng biết ai phải cần “practice nữa đây?!!!




(tbc.)
 
Ngày chậm trôi trên phố cổ Changu Narayan - 5 (cont.)





Đền trưa vắng, khách du lịch ít, chỉ có những người mộ đạo thành kính khấn vái trong đền hoặc trước các tượng thần linh. Nằm ngay trên đỉnh đồi không có cây cối nên ở đây rất nắng. Du khách không được vào bên trong nếu không phải là tín đồ Hindu giáo. Do vậy bpk cứ tỉ mẩn đi lòng vòng xung quanh đền ngắm nghía, quan sát dân chúng thành kính cúng bái. Chịu không nổi nắng thì lại chui tọt vào cổng thành ngồi, ngồi thấy mát mát lại chui ra. Chui ra chui vào mấy lượt như vậy mà cũng đã xế xế chiều. Lên đường thôi! Vẫy tay chào đền Changu Nayaran, bpk lon ton xuống phố kiếm cái bỏ bụng trước khi rời hẳn Changu Narayan.



PB030712.jpg


Khẩu phần 3 bữa nay cho vào 1 bữa. Giá rẻ bất ngờ, 60Rp # 12.000 VND (sách để so sánh, không phải để khoe!)



Không vào các hàng quán xanh đỏ, bpk chui vào 1 cái quán xập xệ bên đường, sử dụng tuyệt chiêu Nhất Dương Chỉ chỉ vào 4 thứ, mì, trứng, rau và chảo dầu. Thế là món mì xào được chuẩn bị. Quán nhỏ và 2 vợ chồng chủ quán, cùng đứa con rất dễ thương. Cả cái quán chỉ có 1 cái ổ cắm điện duy nhất cho cái đèn đang thắp trong nhà, bpk đâu có biết, tranh thủ đưa cái sạc pin nhờ sạc giùm trong lúc chờ bữa. Thế là 2 vợ chồng kêu thằng con rút ngay cái đồ cắm, đang cắm điện cho cái đèn thắp sáng trong nhà, cắm ngay cái đồ sạc của bpk vào. Bkp í ới phản đối vì thấy kỳ quá, nhưng họ đều “nói” là không sao không sao và không cho bpk lấy cái đồ sạc ra. 2 vợ chồng cứ cặm cụi nấu nướng trong cái bếp tù mù, còn bpk ngồi ngoài đường, lòng ân hận không nguôi (!), nhưng cũng chẳng biết làm gì. Sau 15p chờ đợi, cuối cùng, dĩa mì xào cũng được dọn ra, trời ơi, nó bự chà pá luôn. Nói thật, dĩa này ở quê nhà là bpk phải chia làm 3-4 bữa nhưng nguyên tắc của bpk là không được (hoặc hạn chế hết mức việc) chừa đồ ăn nên cố gắng ngồi ăn cho hết. May quá, cuối cùng cũng xong nhưng no quá không đi nổi, phải ngồi lại thở dốc một hồi, nghỉ ngơi thêm tý nữa rồi mới vác xác lên đường. Cũng may, trời lại dịu dịu chút khi bpk ra đường.





PB030714.jpg


Trong xóm nhỏ, bên dưới ngôi đền



PB030713.jpg


Đi lang thang làm bạn với mấy chú này




Xuống mấy bậc thang, đi vài đoạn, rồi lại xuống mấy bậc thang bpk đi vào trong làng. Những ngôi nhà gạch trong làng cũng mái đầy cỏ khô tưởng như phơi cỏ trên đó. Bắp vẫn treo túm tụm đầy bên vách nhà. Đường làng thì đầy các chú gà vịt heo bò dê và cả sản phẩm của chúng nữa (!). Cũng những khoảnh sân lúa vàng, ngôi nhà nhiều bắp,… rất đặc trưng của làng quê Nepal. Nhưng cũng do “đặc trưng Nepal” như các làng khác nên bpk chia tay làng sớm, lên đường cuốc bộ 6km từ đây xuống Bhaktapur.





Con đường từ Changu Nayaran xuống Bhaktapur đẹp lạ. Trên những cánh đồng bậc thang, người dân mê mải làm lụng cày bừa. Một điểm là lạ là nông dân ở đây làm cỏ luôn cái bờ ruộng và xén lại cái bờ thật phẳng nên nhìn cánh đồng cứ là sáng bóng màu nâu đồng. Trên những nương đồi, người nông dân Nepal đã chuẩn bị các đống phân chuồng để chuẩn bị cày bừa vào trong đất, nhìn từ xa lại rất hay, trong như những điểm hoa văn cho bức tranh đồng quê thêm sinh động. Thêm nữa, rất nên thơ, những đốm saree đỏ rực của các cô gái Nepal trên đồng trưa nắng, bổ sung thêm hoa văn đỏ điểm xuyết cho bức tranh đồng quê thêm mặn mà. Thi thoảng, con đường lại ngang qua những đồng cải vàng chạy miên man, vàng rực rỡ, rồi những thôn xóm quê yên bình, rồi những vách núi bóng râm đổ xuống mát lạnh con đường. Người dân ở đây cũng rất dễ thương và nồng hậu, vui vẻ chỉ đường mỗi khi bpk “cố tình” đi lạc vào các con đường khác mỗi khi muốn lang thang vào hẻm ngang ngõ tắt và cả những lúc đi lạc thật sự nữa (!).



PB030754.jpg




PB030736.jpg


Cánh đồng điểm xuyết hoa nâu bên dưới xa, phân gio đôi khi làm vật trang trí cũng đẹp (!?).



PB030737.jpg


Ven núi, những nương cải pha màu như tranh



PB030739.jpg


Nương tam giác mạch khoe sắc với nương cải






(tbc.)
 
Ngày chậm trôi trên phố cổ Changu Narayan - 6 (cont.)





PB030752.jpg


Rồi đến những vườn cải vàng ngất ngây



PB030730.jpg


Đu quay ở trường học đầu xóm bay tít cao




PB030755.jpg


Con đường be bé bên tay phải, bpk đi lang thang trên đó đó.



PB030762.jpg




PB030763.jpg


Cánh đồng có bờ được vạt sạch cứ sáng choang



PB030765.jpg


Hỡi người áo đỏ trên nương

Làm ai cứ mãi vấn vương trên đường. Hix! Cóc nhảy ra kìa pà-kon ơi!!!






Miên man đi mãi trên đường quê tươi đẹp lòng rộn ràng niềm vui, quên đi cái nắng quai quái xế chiều. Cứ lon ton đi, ngắm, nghía, ngó, chụp… Để đến khi thấy bụi đất tung bay đầy trời mới biết mình đã về đến phố thị, mới biết mình vừa chia tay đồng quê, chia tay Changu Narayan cổ xưa và hồn hậu!!!



Chào nhé Changu Narayan!
 
Ngày vui ở Thành phố nghệ thuật Patan – 1 Chúng ta vừa đi thăm Changu Narayan về. Ngôi đền xưa đó là điểm yêu thích của rất nhiều người, nhưng cũng có thể sẽ làm vài người khác hơi buồn chán vì sự khiêm tốn và bé nhỏ của nó. Có thể vì nơi đây chỉ có 1 ngôi đền, có tham quan kỹ, có hướng dẫn chi tiết đến đâu thì cũng chỉ mất vài mươi phút là hết… nên các tour du lịch thường ít đưa khách đến đây mà thường chọn những nơi “hoành tráng” khác, có nhiều điểm tham quan, nhiều đền đài… như các quảng trường Durbar chẳng hạn, nên Changu Narayan thường rất vắng khách. Qua những tấm hình trên, bạn cũng thấy đường phố chính vắng tanh, trong đền cũng vậy nữa – nhưng đó chính là lý do bpk thích. Như vậy cũng hơi ích kỷ khi lôi kéo các bạn tới chỗ “hoang vắng” đó hén. Đền bù lại, bpk sẽ làm guide cùng các bạn đến một điểm đến hoành tráng khác nghen. Không nói các bạn cũng biết ngay đó là các quảng trường Durbar phải không? Ngoài Durbar Square ở Kathmandu thì dường như Durbar Square ở Patan là điểm đến thứ 2 khi du khách ghé thăm Kathmandu. Quảng trường Durbar ở Patan còn được nhiều người cho là hoành tráng và cuốn hút hơn cả quảng trường ở Kathmandu. Vậy, hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau đến Patan để xem thử sẽ bỏ phiếu bầu chọn cho nơi nào nhé.





PA290201.jpg




PA290200.jpg


Hoa trong những ngày lễ hội Tihar, ở Patan



PA290209.jpg


Cho cuộc sống thêm sắc màu



PA290232.jpg


Mấy anh trai bán trầu ở Patan này sao cạnh tranh nổi mấy em bán trầu tươi mát ở Taiwan hén?



Có nhiều tên gọi khác nhau như “Thành phố của cái đẹp” (Laltipur - theo Phạn ngữ), Yala - theo người Newari… “Thành phố Nghệ thuật” là 1 cái tên gần đây được người dân Patan yêu thích khi nói về thành phố thân yêu của mình. Là thành phố lớn thứ 2 của thung lũng Kathmandu, Patan tách biệt với thủ phủ Kathmandu bởi dòng sông thiêng Bagmati và chỉ cách khu trung tâm du lịch bụi Thamel khoảng 5km. Bạn có thể đến đây bằng taxi, bus hoặc safa tempos, 1 loại xe giống như xem lam ở miền nam VN ngày xưa, nhưng chạy bằng điện, để giảm ô nhiễm, như mong muốn của các tổ chức quốc tế hiện rất quan tâm đến môi trường quá ô nhiễm khói bụi nơi đây, đã tài trợ cho Kathmandu. Bpk hôm đó lên Ratna Park, tính đi bằng bus vì chẳng biết bến của safa tempos nằm ở đâu nhưng khi hỏi tuyến xe bus để đi, quần chúng nhân dân Nepal đã nhiệt tình đứng chờ cùng bpk và chặn ngay 1 chiếc safa tempos (hình như số 8 thì phải) và đẩy bpk lên đó. Thế là bpk được đi bằng safa tempos đến Patan, lúc về cũng vậy. Giá chỉ 8Rp (đắt hơn trong LP đến những 1Rp!!!!), mà xe dừng ngay trước cổng Durbar Square của Patan nữa chứ. Sau này bpk mới biết, nếu đi bus, từ bến xe bus ở Patan đi bộ đến Durbar Square phải mất thêm khoảng 15p. Vậy là nhờ sự mến yêu của các bạn ở Ratna Park, bpk vừa tiết kiệm tiền, vừa khỏi phải đi bộ trong nắng nóng, dành sức để ăn chơi!!!



PA290061.jpg


Durbar Square Patan chào đón quý khách trong ngày vui năm mới của người Newari



PA290202.jpg


Chứng nhận di sản văn hóa Unesco của Patan đây nhé.






(tbc.)
 
Ngày vui ở Thành phố nghệ thuật Patan – 2 (cont.)



Patan có truyền thống Phật giáo từ rất lâu. Người ta cho rằng 4 tòa bảo tháp ở 4 góc của thành là do vị Đại đế người Ấn độ, nổi tiếng mộ đạo, Ashoka xây dựng nên vào những năm 250 trước công nguyên. Trong thành, người ta tìm thấy những dòng chữ nói về việc này được chạm khắc trên đá ở những đền đài dinh thự, được cho là có từ thế kỷ thứ V. Trước kia, nơi này nằm trong quyền kiểm soát và cai trị của các lãnh chúa địa phương cho đến cuộc chinh phục của đức vua Shiva Malla đến từ Kathmandu vào năm 1597, lúc vương triều Malla đã lần đầu hợp nhất các vùng đất của thung lũng Kathmandu. Các đền đài, dinh thự của Patan đã được xây dựng trong thời hoàng kim của vương triều Malla bắt đầu từ đây cho đến thế kỷ XVIII.



PA290212.jpg




PA290063.jpg


Thần Hanuman đang bị các chú chim “đè đầu, cỡi cổ”!



PA290064.jpg


Quảng trường Durbar đông vui ngày hội, hay ngày nào cũng đông?



PA290070.jpg


Ngôi đền thờ thần Krishna thứ 2, bên trong quảng trường





Dù có nhiều ngôi đền đẹp khác nằm rải rác trong vùng, trái tim của Patan chính là quảng trường Durbar, nằm ngay trước cung điện hoàng gia. Ngay từ cổng ra vào, đã có rất nhiều phù điêu, tượng đá nằm dọc bên đường, nào là thần Hanuman, nào là thần Ganesha,… Vui vui là các linh thần lừng danh này cứ bị các chú chim bồ câu đè đầu cỡi cổ. Ngay bên trái cổng ra vào là ngôi đền bằng đá, được xây dựng vào năm 1723, thờ vị thần Krishna, đặc biệt với kiến trúc bát giác nên rất lạ so với những kiến trúc gỗ cổ xưa khác của Nepal. Trước ngôi đền này, có đôi sư tử đá oai nghiêm đứng “bảo vệ” cho ngôi đền. Điều lạ khác nữa là trong quảng trường, lại có 1 ngôi đền thờ thần Krishna khác cũng làm bằng đá xám. Cả 2 ngôi đền thờ thần Krishna này đã làm quảng trường Patan thêm đa dạng so với các quảng trường khác.





PA290080.jpg




PA290077.jpg


Roof-top café ở quảng trường Durbar



PA290083.jpg


Gallery đường phố ở Patan




(tbc.)
 
Top