• Đăng ký nhanh... Đăng nhập bằng Facebook

Một ngày đến Tiền Giang: chợ nổi Cái Bè - chùa Vĩnh Tràng

Mình bị "hụt" cái chợ nổi Cái Bè từ dạo đi nhầm miền Tây sang Đông (!!!), nên nhất quyết phải đi lại, bởi đi miền Tây đã nhiều lần nhưng vẫn chưa được "chạm" tới cái chợ nổi. Mà cứ nhìn thấy cảnh mênh mông sông nước, thuyền bè xốn xang qua lại, nụ cười mến khách và dáng dấp ung dung tự tại của những con người vùng sông nước, là khoái!



Một ngày tháng ba, rủ một cô bạn, hẹn nhau 4g 30 sáng xuất phát. Lần này đã hỏi đường kỹ lưỡng, đi theo đường Võ Văn Kiệt, Quận 1, cứ chạy thẳng hoài là ra quốc lộ 1A, đường về các tỉnh miền Tây. Đi sớm, mắt kém, đường tối hù (kỳ lạ, trục đường 1A là trục đường chính mà điện đường không có, hoặc có nhưng hư, không ai sửa), xe tải chạy ầm ầm, nên đâu dám đi nhanh.



Cuối xuân, nhưng sáng sớm, khí trời vẫn còn lành lạnh. Tới ngã ba Trung Lương thì trời bắt đầu hửng sáng.










Hai đứa quẹo phải, chạy thẳng tiếp về hướng thị trấn Cái Bè, thuộc huyện Cái Bè, Tiền Giang. Đã bắt đầu cảm nhận được không khí tuyệt vời của miền Tây: mát đến lạnh người, nhiều cây cỏ, nên có cảm giác trong lành.



Đến thị trấn Cái Bè, nhìn theo bảng chỉ dẫn, quẹo trái, đi thẳng đến cuối đường là bến tàu đi chợ nổi. Nhưng trước tiên thì dừng một quán ven đường ăn sáng hủ tiếu đã.

Tấp vào một nhà dân có dịch vụ giữ xe cho khách đi chợ nổi, hai đứa bước ra bến tàu, gặp một anh "cò". Sau một hồi trả giá thì đồng ý với giá 250.000 đ/ 2 người, ghép tàu chung với bốn khách khác, mà sau này mới biết là bốn khách này đã đặt tàu trước, chủ tàu nói đi riêng bốn khách, giá 400.000 đ/ tàu.









Tuy vậy, cách thức đối xử với khách thân thiện, dễ mến, mình nghĩ cái giá tàu như thế là không đắt, vì đã bao gồm chuyến chợ nổi, thăm cơ sở nuôi ong lấy mật, làm kẹo dừa và vườn trái cây rồi (không bao gồm phí ăn uống).







Tàu nhóm mình đi là tàu riêng của một chú làm việc cho Mekong tour. Nếu bạn nào có nhu cầu, có thể liên hệ với chú trước để đặt tàu, giá cả thương lượng, nhưng khoảng chừng 500.000/ tàu 10 khách. Đây, chú Tùng 0122 279 1657.
 
Cô bạn đi cùng có lẽ chưa bao giờ được đi tàu thuyền, nên có vẻ hứng thú lắm.









Thuyền bắt đầu chạy, đã có thể thấy cảnh mua bán trên sông. Tuy nhiên, có lẽ chúng tôi đi trễ (hơn 7g) nên cảnh mua bán cũng ít đi, vì nghe nói, chợ nổi họp từ bốn rưỡi, năm giờ sáng.











Bạn có thấy mấy cái cây dựng trên thuyền, trên đó có treo sản vậy? Ấy là cách để chủ hàng quảng cáo cho người mua biết họ bán gì. Bán bí thì treo bí, bán thơm thì treo thơm...







 
Chợ nổi Cái Bè không lớn, thuyền đi chừng mười lăm phút là hết. Tiếp theo thuyền ghé vào cơ sở nuôi ong lấy mật. Ở đó, khách có thể uống thử trà mật ong.











Một ít hoa súng trước sân nhà...



Nói là cơ sở nuôi ong lấy mật, chứ ở đây chỉ để vài thùng ong cho khách tham quan, còn lại chủ yếu là bán sản phẩm lưu niệm, bán mật ong, và sữa ong chúa.



Nửa lít mật ong có giá 100.000 đ, hũ sữa ong chúa cũng vậy. Tuy nhiên, mình nghĩ, mật ong thì có thể chấp nhận là thật, chứ sữa ong chúa thì... Lấy đâu ra ong chúa mà lấy sữa của nó bán đại trà như thế, khi một tổ ong chỉ có một con ong chúa?








Hũ màu trắng là sữa ong chúa, dích một chút xíu bằng đầu móng tay trộn với trà uống hàng ngày, nghe nói có tác dụng làm đẹp, bồi bổ cơ thể.



Theo lời người bán thì những chai mật có bọt là đã bỏ vào được vài ngày, còn chai không có bọt là chai mới bỏ vào.







Hàng lưu niệm đa số đều thấy như nhau, trên khắp mọi miền đất nước Việt Nam.
 
Tiếp theo, nhóm đi bộ qua nhà kế bên là cơ sở làm kẹo dừa.







Ở đây ngoài kẹo dừa còn có bán xà phòng từ dừa, giá không hè rẻ: 50.000 đ/ cục







Góc nấu rượu (gạo)



Thuyền tiếp tục đưa chúng tôi tham quan vườn trái cây.











 
Gọi là điểm du lịch sinh thái, nhưng chỉ có vài loại cây không có trái hoặc ít trái (hay tại chúng tôi đi trúng mùa không có trái?).











Trái gì không biết tên...







Khóm







Mít
 




Cây sầu riêng







Hoa sầu riêng







Và trái sầu riêng



Tại đây chúng tôi ngồi nghe đờn ca tài tử (ca sỹ hát không hay lắm), mua sầu riêng ăn (35.000 đ/ kg). Sau đó, thuyền đưa chúng tôi về lại bến tàu.











Tôi và cô bạn chạy về thành phố Mỹ Tho, ăn cháo cá lóc (khá ngon, mà cũng nhiều nữa, con cá lóc to lắm, hai đứa ăn lặc lè).
 
Sau khi nghỉ ngơi, hai đứa ghé chùa Vĩnh Tràng tham quan.





"Chùa Vĩnh Tràng nằm về hướng Đông Bắc của thành phố Mỹ Tho, ven tỉnh lộ 22, tọa lạc trên địa phận ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Chùa được lập vào năm 1849.



Khởi nguyên chùa chỉ là một cái am lá của ông bà Huyện Bùi Công Đạt làm quan dưới triều vua Minh Mạng (1820-1840). Sau khi hưu trí, ông bà về đây cất am để tu hành nên nhân dân trong vùng quen gọi là chùa ông Huyện. Sau đó, ông bà mời Đại sư Huệ Đăng về trụ trì chùa và dạy chữ nghĩa cho con.



Sau khi ông bà Huyện qua đời, Đại sư Huệ Đăng ngày đêm chăm lo công quả. Thấy được đạo hạnh của nhà sư, Phật tử bốn phương về rất đông: người góp công, người góp của xây dựng thành chùa "Đại Tự" vào năm 1849, lấy niên hiệu là "Vĩnh Trường"
với ngụ ý:



Vĩnh cửu đối sơn hà,

Trường tồn tề thiên địa



Chùa Vĩnh Tràng là một di tích kiến trúc nghệ thuật đứng vào hàng thứ ba đối với mọi kiểu chùa của đất Nam phần. Chùa được xây dựng pha hòa nét kiến trúc cả Âu lẫn Á". - (Nguồn tiengiang.gov.vn).























Khoảng 14g, chúng tôi quyết định về sớm.







Cảnh bình yên của đồng lúa Long An







Tái bút: Tự thấy chuyến đi không có gì đặc sắc, bài viết cũng không có gì đặc sắc.
 

editnior

New Member
mình cũng làm vài chuyến như thế này rồi ... tuỏ đơn giản nhưng thú vị phết
 
Top