Khúc 1 Lúc đó thời tiết Pleiku rất rõ ràng, tách bạch. Một năm có hai mùa: mùa khô và mùa mưa như trong sách Địa lí đã viết.Mùa mưa thường kéo dài từ đầu tháng 6 đến tháng 11. Sáu tháng mưa - sáu tháng trời lúc thì mưa lê thê, mưa dầm dề; lúc lại ào ạt, quất vào mặt, vào người rát rạt... Mưa làm ủ ê, làm mềm, làm tan ra nước những trái tim đa cảm. Mưa khiến con người luôn có tâm trạng buồn chán, mệt mỏi, trầm uất - cái tâm trạng bị vây bọc bởi màn nước trắng xóa, ngột ngạt dưới vòm trời thấp, âm u, xám xịt với từng cơn gió lạnh lẽo. Mưa khóa chân con người trong nhà. Cái thị xã bé nhỏ nhạt nhòa trong màn mưa trắng đục. Hàng quán khép hờ cửa, nhà nhà đóng im ỉm, đường sá bỗng dưng trở thành những nhánh sông cuồn cuộn nước đỏ cuốn phăng những cành cây gẫy, những chướng ngại vật trên đường đi của nó. Chỉ còn bóng dáng những người buôn thúng bán bưng tùm hụp trong nón và áo tơi, lặn lội thân cò trong màn mưa. Thỉnh thoảng những đoàn xe ầm ào xé nước chạy qua...Thời đó mùa mưa cũng là mùa nghỉ hè của học sinh. Cuối tháng năm, lúc trường sắp nghỉ thường có những trận mưa đầu mùa. Mưa kéo đến bất ngờ, ào ào trút nước gội rửa cho nhà cửa, cây cối, đường phố. Đang mưa ào ạt, bỗng nổi lên những tiếng sấm ì ầm và mưa nhẹ hạt dần, cầu vồng hiện ra lấp lánh trong ánh mặt trời: mưa tạnh! Mưa đầu mùa đem lại cho con người một cảm giác sảng khoái, nhẹ nhõm lạ thường. Mưa đầu mùa, lũ trẻ xóm tôi thường trốn cha mẹ đi tắm mưa, dù cha mẹ không ngớt nhắc nhở đừng ra mưa, hơi đất xông lên, ốm thì khổ! Một lũ con gái, mặc đồ bộ, đứng dưới máng xối để mưa tuôn ướt đẫm từ đầu đến chân; có đứa còn ngửa mặt lên trời để mưa rơi trên má, trên môi. Mấy cậu bé chỉ độc cái quần đùi, ào ào chạy trong mưa, lội trong dòng nước mưa đục ngầu trên đường, làm nước bắn tung tóe vào người nhau. Có đứa còn chọn một "đoạn sông" mà nằm xuống quẫy chân, bì bõm tập bơi trên đường. Vui hết biết! Ôi, tuổi thơ ta dầm mưa ta tắm Ta lội tung tăng trên mặt nước, mặt sông Ta lặn xuống nghe vang xa tiếng sấm Nghe mưa rơi, tiếng ấm tiếng trong. (Lê Anh Xuân) Không nghịch mưa thì đứa nào cũng ru rú trong nhà. Đây là lúc lũ trẻ chúng tôi vùi đầu vào đọc sách để quên mưa, để đôi chân bớt chồn vì không được chạy nhảy. Những ngày mưa dầm, chúng tôi tìm đọc gần hết tác phẩm của nhóm Tự Lực văn đoàn chỉ vì cô giáo dạy môn Việt văn rất mực kính yêu đã nói: "Ô hay, các em chưa đọc các tác phẩm này ư? Hồi bằng tuổi các em, cô đã đọc hết tủ sách của bút nhóm này rồi...". Yêu kính, ngưỡng mộ cô nên đám học trò để dành tiền ra nhà sách Minh Lợi, Như Ý, Việt Trường... mua sách về đổi cho nhau và thi nhau đọc. Những ngày mưa dầm đầy kỉ niệm ấy không sao quên được! Bầu trời âm u. Mưa dai dẳng. Ướt át. Gió đập ầm ào. Lạnh lẽo. Tôi cuộn mình trong chăn ấm, say mê đọc sách, khóc cười với những truân chuyên, chìm nổi của nhân vật. Thỉnh thoảng lại nhâm nhi vài hạt bắp rang, vài hạt đậu phộng luộc hay ngừng đọc, xúm quanh bếp lửa hồng, ăn bánh xèo nóng hổi mẹ vừa đổ với nấm mối vừa dai vừa ngọt; hoặc tranh nhau những trái bắp nướng theo kiểu chỉ xé vài lớp vỏ tươi, lùi vào tro để hơi nóng của lửa làm chín từ từ, ăn ngọt lừ và thơm biết bao! Cũng có khi vừa đọc truyện vừa thưởng thức món bắp hầm với những miếng khoai lang khô thái con chì cùng đậu phộng, đường và một ít gừng...Và cũng không thể nào quên được những bữa cơm ngày mưa. Mẹ không đi chợ, cơm nóng rưới một chút mỡ nước, một chút nước mắm hoặc ăn với muối mè, muối đậu hay trúng vịt luộc dầm nước mắm mà cả lũ con thơ xúm vào "ăn thủng nồi trôi rế". "Cơm giữa ngày mưa gạo trắng thơm" (Huy Cận), nhớ sao là nhớ!
Khúc 2 Vẫn là mùa mưa Pleiku.Nhưng tôi đã đột ngột chia tay tuổi học trò: từ chỗ ngồi dưới khoanh tay nhìn lên, tôi đã đứng trên bục giảng khoanh tay nhìn xuống. Lứa học trò những năm 76 sớm phải vất vả, lo toan cùng cha mẹ nhưng các em chăm học, say mê đọc sách biết bao! Truyện hay, các em nâng niu chuyền tay nhau đọc rồi trao đổi cảm xúc, tranh luận cùng nhau. Nếu chỉ có một bản duy nhất, các em chia nhau nắn nót chép tay và chăm chú đọc, nghiền ngẫm từng câu chữ. Hạnh phúc thay cho người dạy Văn: các em yêu Văn và thuộc biết bao áng văn thơ!Những ngày mưa dầm, những "ngày mưa, mưa lê thê, đường trơn ướt não nề" cũng là thời gian các trường đóng cửa, nghỉ hè nên tôi không phải lầm lũi, lam lũ trong mưa. Nhớ những năm tháng dạy ở Vườn Mít. Lúc đó mưa chỉ vào tháng 9, tháng 10 hoặc tháng 5 - lúc sắp nghỉ hè. Một năm học chỉ có vài tháng mưa nhưng vô cùng vất vả. Con đường đất từ thị xã vào đến trường đoạn thì bùn lầy, nhão nhét không biết đặt chân vào đâu; đoạn thì trơn trượt; đoạn thì thành suối, vũng... Dẫu có bấm chặt năm đầu ngón chân vào đất đến đâu rồi cũng oạch oạch... Đi xe đạp thì bùn bám chặt, cứng ngắc giữa lốp và vè xe. Cứ một đoạn ngắn lại phải dùng cây gỡ bùn đất, xe mới có thể ì ạch lăn bánh. Khổ nhất là những lần về thị xã mua gạo: phương tiện chuyên chở là chiếc xe cộ, dùng sức người đẩy. Và đẩy gạo mùa mưa trên con đường đất đỏ thật muôn vàn khó khăn, nghĩ lại vẫn còn sợ.Những ngày mưa ở Vườn Mít, vui nhất là sáng sáng tìm được bao ổ nấm - nấm từng ổ, đội đất, nứt đất mà lên. Rồi đi bẻ măng loay hoay luộc, sấy phơi... Lúc hửng nắng các cô giáo trẻ lại đi ngắt lá rau tàu bay, lá khoai lang, lá khoai mì rồi các loại rau rừng về luộc, xào hoặc nấu canh với một chút mỡ và mắm ruốc. Những ngày mưa có lúc tôi theo học sinh, theo bạn bè đi trỉa lúa, trỉa bắp, trỉa đậu; có lúc đi làm cỏ lúa, dặm lúa hoặc vun luống, trồng khoai lang... Việc nhà nông nên mưa vẫn cứ mang tơi, đội nón, dầm mưa mà làm. Trưa nghỉ, ăn vội miếng cơm ghế toàn khoai lang, khoai mì rồi dạo rẫy, bẻ bắp. Ngọt và thơm không sao tả xiết! Nhẩn nha ăn từng hàng bắp trên lưng đồi, trong mưa gió Pleiku mà tâm trí cứ vang vọng một đoạn thơ không nhớ của ai: Tháng ba ngô kết trái Một mình ta ngẩn ngơ Nghe hạt ngô đầu mùa Vỡ trong răng nức nở...
Thành phố trẻ Pleiku bây giờ như một cô thiếu nữ ở tuổi chanh cốm: xinh xắn, vẻ non tơ và sức sống căng tròn hai má, nuột nà cánh tay nhưng đỏng đảnh lạ! Thời tiết Pleiku không còn mùa nào ra mùa nấy như xưa nữa. Đang là mùa khô bỗng trở lạnh, gió bụi đầy trời! Đang là mùa khô bỗng mưa xối xả! Và đôi khi đã giữa mùa mưa mà có lấy sào chọc, trời vẫn ráo hoảnh, không một giọt nước, dù ai cũng mong mưa! Mưa nắng thất thường khiến lòng người đầy ắp nỗi lo về mùa vụ. Và phải chăng mưa nắng thất thường ít nhiều cũng làm phai nhạt vẻ đẹp của Pleiku một thời: Mưa Pleiku vẫn hoang đường muôn thuở Boston giờ có nắng vỡ lung linh Nếu biết ra đi là xa vĩnh viễn Người bỏ quên gì trên mảnh đất quê hương?
(Hương Nguyên)Nguyễn Thị Đức
Khúc 2 Vẫn là mùa mưa Pleiku.Nhưng tôi đã đột ngột chia tay tuổi học trò: từ chỗ ngồi dưới khoanh tay nhìn lên, tôi đã đứng trên bục giảng khoanh tay nhìn xuống. Lứa học trò những năm 76 sớm phải vất vả, lo toan cùng cha mẹ nhưng các em chăm học, say mê đọc sách biết bao! Truyện hay, các em nâng niu chuyền tay nhau đọc rồi trao đổi cảm xúc, tranh luận cùng nhau. Nếu chỉ có một bản duy nhất, các em chia nhau nắn nót chép tay và chăm chú đọc, nghiền ngẫm từng câu chữ. Hạnh phúc thay cho người dạy Văn: các em yêu Văn và thuộc biết bao áng văn thơ!Những ngày mưa dầm, những "ngày mưa, mưa lê thê, đường trơn ướt não nề" cũng là thời gian các trường đóng cửa, nghỉ hè nên tôi không phải lầm lũi, lam lũ trong mưa. Nhớ những năm tháng dạy ở Vườn Mít. Lúc đó mưa chỉ vào tháng 9, tháng 10 hoặc tháng 5 - lúc sắp nghỉ hè. Một năm học chỉ có vài tháng mưa nhưng vô cùng vất vả. Con đường đất từ thị xã vào đến trường đoạn thì bùn lầy, nhão nhét không biết đặt chân vào đâu; đoạn thì trơn trượt; đoạn thì thành suối, vũng... Dẫu có bấm chặt năm đầu ngón chân vào đất đến đâu rồi cũng oạch oạch... Đi xe đạp thì bùn bám chặt, cứng ngắc giữa lốp và vè xe. Cứ một đoạn ngắn lại phải dùng cây gỡ bùn đất, xe mới có thể ì ạch lăn bánh. Khổ nhất là những lần về thị xã mua gạo: phương tiện chuyên chở là chiếc xe cộ, dùng sức người đẩy. Và đẩy gạo mùa mưa trên con đường đất đỏ thật muôn vàn khó khăn, nghĩ lại vẫn còn sợ.Những ngày mưa ở Vườn Mít, vui nhất là sáng sáng tìm được bao ổ nấm - nấm từng ổ, đội đất, nứt đất mà lên. Rồi đi bẻ măng loay hoay luộc, sấy phơi... Lúc hửng nắng các cô giáo trẻ lại đi ngắt lá rau tàu bay, lá khoai lang, lá khoai mì rồi các loại rau rừng về luộc, xào hoặc nấu canh với một chút mỡ và mắm ruốc. Những ngày mưa có lúc tôi theo học sinh, theo bạn bè đi trỉa lúa, trỉa bắp, trỉa đậu; có lúc đi làm cỏ lúa, dặm lúa hoặc vun luống, trồng khoai lang... Việc nhà nông nên mưa vẫn cứ mang tơi, đội nón, dầm mưa mà làm. Trưa nghỉ, ăn vội miếng cơm ghế toàn khoai lang, khoai mì rồi dạo rẫy, bẻ bắp. Ngọt và thơm không sao tả xiết! Nhẩn nha ăn từng hàng bắp trên lưng đồi, trong mưa gió Pleiku mà tâm trí cứ vang vọng một đoạn thơ không nhớ của ai: Tháng ba ngô kết trái Một mình ta ngẩn ngơ Nghe hạt ngô đầu mùa Vỡ trong răng nức nở...
Thành phố trẻ Pleiku bây giờ như một cô thiếu nữ ở tuổi chanh cốm: xinh xắn, vẻ non tơ và sức sống căng tròn hai má, nuột nà cánh tay nhưng đỏng đảnh lạ! Thời tiết Pleiku không còn mùa nào ra mùa nấy như xưa nữa. Đang là mùa khô bỗng trở lạnh, gió bụi đầy trời! Đang là mùa khô bỗng mưa xối xả! Và đôi khi đã giữa mùa mưa mà có lấy sào chọc, trời vẫn ráo hoảnh, không một giọt nước, dù ai cũng mong mưa! Mưa nắng thất thường khiến lòng người đầy ắp nỗi lo về mùa vụ. Và phải chăng mưa nắng thất thường ít nhiều cũng làm phai nhạt vẻ đẹp của Pleiku một thời: Mưa Pleiku vẫn hoang đường muôn thuở Boston giờ có nắng vỡ lung linh Nếu biết ra đi là xa vĩnh viễn Người bỏ quên gì trên mảnh đất quê hương?
(Hương Nguyên)Nguyễn Thị Đức