• Đăng ký nhanh... Đăng nhập bằng Facebook

Hạnh phúc lang thang

cafedang

Member
Một bài viết hay, và chúng ta nhìn thấy chính cuộc đời mình ở trong đó. Tuy rằng mỗi người đều có những khác biệt khi đi, khám phá, chinh phục…Nhưng tất cả đều là 1 niềm đam mê : đi, chiến thắng bản thân, chiến thắng những nỗi sợ hãi. Khi mà con người ta như quên hết thực tại, mọi lo âu ưu phiền tan biến, đó cũng chính là lúc tìm thấy chính bản thân mình, để biết mình là ai? Còn tồn tại giữa thế giới tươi đẹp này.



Tớ xin trích dẫn bài viết.



Cảm ơn ChipChina và ttvndl.





[FONT=&quot]HẠNH PHÚC LANG THANG[/FONT]





Ai cũng có những niềm hạnh phúc trong cuộc đời mình. Với tôi, hạnh phúc gắn liền với những con đường.



Một đứa con gái ngoài 20, say sưa mải miết đi trong những con đường mưa nắng, với rất nhiều người, đó là điều chẳng đẹp đẽ gì.



Tôi thừa hưởng đam mê từ gia đình, từ người bố vốn dĩ là dân trinh sát. Cách của bố tôi đi là thâm nhập vào địa bàn của những người dân bản địa trên những vùng núi cao của tổ quốc đã ngấm vào tôi từ những ngày tóc còn mọc lơ thơ. Tôi đã đi và đến, rất nhiều nơi trong quãng đời thơ bé của mình.



Tôi không thể nhớ tên những làng bản tôi đã đến, cũng không thể nhớ mặt những người dân bản tôi đã gặp và nhận họ làm bố mẹ nuôi... Có quá nhiều, nhưng không bao giờ tôi quên được cái cảm giác đôi chân đau man dại vì đi bộ suốt trên những con đường đất lầy lội.



Ngày vào đại học, cũng là ngày đánh dấu cho những chuyến đi xa thực sự của đứa con gái vào tuổi trưởng thành. Cái ngày ấy, tôi viết đơn ra khỏi ngành trong sự thất vọng của gia đình. Tôi sẽ không giống như bố tôi, anh tôi... Tôi muốn đi theo một cách khác. Tôi muốn dành thời gian để đi được xa hơn, xa hơn nữa... Tôi đã rời xa dấu chân của bố và bắt đầu say sưa độc hành trên những cung đường.



Lần đầu tiên nghe đến từ Phượt cách đây vài ba năm, tôi nhận ra mình cũng đã “Phượt” quá nhiều. Hóa ra cái định nghĩa mới mẻ mà người đời đang bàn về nó ngày đêm kia, tôi đã thấm nhuần và song hành với nó từ quá lâu rồi.



Với mỗi nơi tôi đến, với mỗi con đường mà tôi đã đi qua... thật kỳ lạ là tôi chẳng có bức ảnh nào. Ừ thì là Phượt đấy, nhưng làm gì có ảnh Cột mốc như mọi người, làm gì có nào Cờ, nào Pháo giấy, nào Sâm panh... Chỉ có tôi và chiếc xe cũ, gắn bó với nhau trên mọi ngả đường. Cách đây 6 năm, với một đứa sinh viên, tiền đâu để mua máy ảnh, tiền dành dụm cho mỗi chuyến đi đã là sự cố gắng lắm rồi. Này thì Tây Bắc, này thì Sông Mã, này thì kênh Vĩnh Tế... tất cả hình ảnh đều còn được lưu giữ trong ký ức tôi.



Người ta nói mỗi chuyến đi xa không quan trọng là đi đâu mà là đi với ai. Với tôi lại thật khác. Cái cảm giác đơn độc giữa những con đường đầy đất đỏ, giữa rừng cây đầy gió, giữa những con đường dài hun hút nắng... là điều kỳ diệu nhất mà mình có được. Khi ấy tôi thấy mình đã là một người lớn – một cô gái trưởng thành thật sự. Tôi đã không còn thấy bóng của bố mình đổ lên chiếc bóng cỏn con của tôi ngày bé dại...



Ký ức đã từng là ám ảnh, nhưng những chuyến đi đã chôn vùi những ám ảnh ấy, và mang đến cho tôi niềm hạnh phúc giản dị: Hạnh phúc lang thang.



Tôi vừa học vừa làm thêm để có thể tiếp tục đi và trải nghiệm. Có những khi, tôi gặp một vài người trên đường tôi qua. Chúng tôi chào nhau, xin số điện thoại, và rồi đi qua nhau rất nhanh như thế.

Có rất nhiều nơi tôi đi và muốn quay lại. Những nơi ấy đôi khi níu kéo tôi chỉ vì tôi nặng tình với một con đường, hay vì không quên được men rượu cay chếnh choáng trong một đêm mưa. Những nơi ấy... không biết đã có bao nhiêu đoàn từng ghé thăm. Nhưng chắc chắn một điều rằng, những cảm xúc sẽ chẳng bao giờ trùng lặp.



Mỗi chúng ta sẽ có những kỷ niệm riêng, những nỗi nhớ riêng, những tình yêu riêng. Tôi đi và chẳng tìm kiếm điều gì hết, chỉ đơn giản ấy là đam mê. Tôi đã nghe nhiều câu chuyện và gặp nhiều người, mà họ đặt mục đích cho những chuyến đi: có người để quên đi những chuyện buồn, có người muốn gạt bỏ căng thẳng trong công việc, có người đi tìm một người bạn tri kỷ, có người đi để uống rượu... Vô vàn mục đích. Và mục đích nào cũng đẹp, nếu như chúng ta biết yêu và gìn giữ những con đường.



Vĩnh viễn, tôi không quên được mùi máu tanh pha mùi đất ải khi ngã xe trong một chiều mưa. Tôi... bơ vơ nằm ở mép trên đường đi Mường Khương. Không có ai, chỉ có nước mưa tát vào mặt rát bỏng. Máu chảy tràn trên mặt. Đó là lần đầu tiên tôi thấy sợ hãi vì đi một mình. Tôi đã cố gắng bằng những nỗ lực mạnh mẽ nhất để bám chặt lấy cái gốc cây mục nát, để không bị trôi mình xuống vực như chiếc xe tội nghiệp kia. Khi ấy tôi mới hiểu, cái khao khát được sống và tiếp tục lang thang nó lớn thế nào. Và... tôi đã sống, sau khi ngất lịm đi giữa con đường cô quạnh. Người thanh niên đã cứu tôi cứ ngạc nhiên mãi, vì tại sao khi tôi nằm bất tỉnh bên đường, trên môi vẫn còn nở một nụ cười. Tôi không biết nguyên do, có lẽ tôi đã rất hạnh phúc, vì biết mình đã vượt qua sự sợ hãi đã từng ngự trị nơi ranh giới của sự sống và cái chết.



Tôi đã bỏ thói quen đi một mình...và có những người bạn đồng hành. Có những người chỉ đi với tôi một lần, cũng có thể hơn, có những người yêu quý và cũng có người không... Điều ấy thật khó tránh. Bởi tôi đã từng đi qua quãng đường độc hành một mình một ngựa, dừng đâu ngủ đấy...Tôi chưa quen với những kế hoạch. Ở mỗi một giai đoạn, dường như người ta có những cảm nhận khác nhau. Nhưng tôi chắc một điều rằng, tôi sẽ vẫn Phượt bằng những đam mê, thiêu cháy trái tim mình...



Những câu chuyện tôi viết, không ít người sẽ thấy mình trong đó, cũng có người ngỡ như đọc nó ở đâu. Bởi chúng ta, ai cũng đang theo đuổi những cung đường. Với những người mới đặt chân vào thế giới Phượt, sẽ thấy háo hức, và chờ đón... Và biết đâu có ai đó đang cảm thấy mệt mỏi lắm vì những chuỗi ngày dài vô định lang thang...



Mỗi lần đi xa, câu hỏi của mẹ cứ như một vết cứa nhắc nhở tôi phải biết giữ lòng: "Bao giờ con dừng lại???" Những khi ấy, đứa con gái lỳ lợm của mẹ chỉ biết lặng im. Tôi cũng đã từng hi vọng, một ngày nào đó tôi có thể trả lời câu hỏi ấy. Mà nhất định phải trả lời, tôi cần một thời gian nữa... Hạnh phúc này, có thể thay thế bằng hạnh phúc khác. Tôi đã hứa với mình và nhất định sẽ giữ lời.



Tuổi trẻ: hãy cứ làm những điều mình muốn, hãy cứ sống cho những đam mê và hát lên những khúc ca, kể cả độc hành...





TREKKING VÀ NỖI ÁM ẢNH

-------------






Tôi biết đến từ Trekking vào năm cuối học đại học, khi ấy chúng tôi được học môn Du lịch sinh thái. Nhưng chuyến Trekking đầu tiên thực sự của riêng tôi bắt đầu khi tôi 7 tuổi. Đó cũng là chuyến đi xa đầu tiên không có bố.



Nói là xa chứ thực ra cũng không cách cái thị xã tôi đang sống là mấy. Vốn dĩ là đứa con gái miền biển, nhưng lại theo bố lên vùng núi công tác từ nhỏ, trong tôi luôn cháy lên sự hoang dại vô thường.



Chuyến đi dài 2 ngày, mà tôi những tưởng quãng thời gian ấy kéo dài cả tháng. Chuyến đi là một bài học về việc đi rừng, mà mãi về sau này, mỗi lần nghĩ đến, tôi thực sự thấy ân hận vì đã không nghe lời bố.



Đó là một ngày mùa hè tháng 6 năm 1995. Kỳ nghỉ hè dài đằng đẵng của những đứa trẻ vùng cao như tôi thường trôi qua vô vị theo mấy trò đấu cù, đánh khăng và bi ve. Thêm vài trò đánh trận giả ngoài bờ sông Hồng là đã nhất rồi.



Tôi đã quyết định, một quyết định thật lớn lao khi ấy, là trốn nhà để đi rừng. Hành trang của một con bé 7 tuổi khi ấy chỉ là một cái túi vải thổ cẩm có đựng một nắm cơm nhỏ, một gói thịt bò khô tôi mua với giá 200 đồng của bà già ngồi ở cổng trường, một quả táo, một bao diêm, một con dao gọt hoa quả và cái bình thép đựng đầy nước có khắc trên đấy dòng chữ Kỷ niệm.



Tôi sang nhà đứa bạn, nhờ nó đèo đến con dốc ở cuối đường Hoàng Liên thông thẳng lên cái đồi rất dài ôm lấy cả thị xã Lào Cai bé nhỏ. Ngày ấy khu vực ấy chỉ có một con đường mòn thông thẳng lên trên bạt ngàn rừng cây, và ít người qua lại. Giờ quay lại nơi ấy, hơn 15 năm đã trôi qua, phố xá quá tấp nập và trên đỉnh đồi năm xưa nghe nói giờ là một con đường chạy thẳng đến vành đai kinh tế mới rồi.



Lại quay về với chuyện của mình, tôi đã đi và chẳng nghĩ ngợi gì như thế. Tôi mất dễ chừng hơn 1 tiếng để bò, chính xác là bò lên cái dốc đỏ mòn vẹt và trơn như mỡ ấy. Ngày trước mỗi lần đi qua khu vực này, tôi luôn nhìn lên cái vệt màu đỏ trên quả đồi màu xanh kia và mơ ước mình sẽ lên cái đỉnh đó, bằng con đường này. 7 tuổi, tôi nào có ý thức được những gì mình đang làm… vì cái gì. Đơn giản là vì tôi khao khát, được ngắm nhìn cuộc sống từ trên cao. Tiếc là tôi chẳng thể có được điều ấy.



Bởi sau con dốc đỏ, là thật nhiều những cây xanh cao quá đầu người, ít nhất là cao hơn so với cái thân hình bé nhỏ, loắt choắt của tôi… Sau con đường đỏ, không còn một lối mòn nào hết. Không có dấu chân người trên đỉnh đồi ấy, mà nơi ấy cũng chưa phải là đỉnh. Tôi còn thấy rất nhiều những đỉnh cao hơn. Và tôi tiếp tục đi… Một đứa trẻ sẽ quên ngay mục đích ban đâu của mình và rồi tôi lại mải mê hái những trái lạc tiên, mâm xôi cho đến khi tay và môi thẫm màu trái rừng. Tôi không nhớ mình đang ở đâu nữa, hình như đã quá xa đô thị. Xung quanh chỉ có tiếng gió vi vu giữa những hàng keo xào xạc lá, một vài tiếng chim kêu hoang hoải…



Trời bắt đầu tối và tôi thực sự sợ hãi. Lúc này đây tôi không nhớ mình đang ở đâu. Mở túi ra, tôi ăn nắm cơm trong tiếng nấc cô độc. Tôi đói và mệt, có rất nhiều con gì đang cố bám lấy tôi. Tôi cố gắng nhớ xem mình đã đi đâu, chắc chắn phải đi xa cách chỗ tôi leo lên rất xa rồi. Tôi thấy mặt trời đang lặn về phía bên tay trái.



Đó là lần đầu tiên tôi cảm thấy ân hận thực sự về một điều gì đó, tôi đã không nghe lời bố, tôi đã trốn bố đi mà không nói một lời. Đôi chân tôi lúc này đã rã rời, dù cố gắng cũng không thể nhấc lên cao được.



Tôi cố nhớ lại những lời bố dặn khi đi rừng: về việc khắc dao lên thân cây, về việc xem mặt lá, xem vết rêu trên thân cây, nhưng giờ đây… trời đã tối rồi, và ngày hôm nay, tôi chưa từng nghe lời. Lấy hết can đảm tôi trèo lên một thân cây, và cố gắng tìm ánh sáng của thành phố. Trước mắt tôi chỉ là … một khoảng không đen rộng, hun hút màu đêm.



Tôi đã nằm trên thân cây ấy, ôm chặt cái suy nghĩ về sự sống. Tôi sợ rằng khi nhắm mắt vào, mình sẽ mãi mãi ở lại trong bóng tối, và rồi cố gắng, bằng sức lực còn lại, tôi không khóc nữa… và ở trên cây chờ đợi. Đó … là đêm dài nhất trong cuộc đời tôi, một đêm dài mà mãi về sau còn ám ảnh. Để rồi cho đến khi dạn dày trong những chuyến đi, tôi vẫn là đứa… sợ bóng tối và những đỉnh núi cao.



Bố mẹ tôi đã suốt đêm không ngủ, họ đi tìm tôi và cố gắng trèo lên con dốc lúc trưa bạn tôi đưa đến – những tiếng gọi lạc suốt đêm khuya. Nhưng chúng không lạc đến bên cạnh tôi, mà chìm lẫn vào bóng đêm đen đặc.



Lần đầu tiên trong cuộc đời mình, tôi chờ đợi bình minh và cảm thấy hạnh phúc biết nhường nào khi trời sáng. Ánh sáng của một ngày mới như xua đi cái cô quạnh của đêm, tan biến sự ướt nhẹp của sương bao trùm lấy tôi. Tôi tưởng mình không thế trở về. Vậy mà cuối cùng, tôi đã đi như bay về phía Nam. Tôi dựa vào mặt trời của hôm qua và hôm nay để xác định hướng như lời bố nói. Hình như hôm qua tôi đi về hướng Bắc. Những cây mây và đùm đũm quẩn vào chân, cứa nát chiếc phần đồng phục màu xanh biển, cào vào da cháy rát. Tôi không thấy đau, chỉ thấy thương bố mẹ. Những tưởng đã kiệt sức cho một chặng đường đi bộ dài như thế. Vậy mà… tôi đã trở lại được đúng nơi tôi đến bằng một sự kỳ diệu nào đó.



Tôi đã trở về nhà, và sau ấy là một trận đòn roi dâu tươi như sau này tôi vẫn gặp. Mùi mặn của muối trên đầu roi chắc chắn không thể bằng mùi mặn của sương đêm mà tôi đã hưởng trọn trong chuyến đi rừng lần ấy.



Có quá nhiều kỷ niệm cho lần đi xa nhà một mình đầu tiên, có quá nhiều thứ để về sau vẫn là ám ảnh. Những bài học cho sự bồng bột mà khi nghĩ lại tôi còn thấy lạnh ở sống lưng. Và để rồi sau này khi ai đó nhắc lại, tôi sẽ tặc lưỡi nói 1 câu: Ừ, tôi đã từng Trekking như thế!













TÂY BẮC Ư CÓ RIÊNG GÌ TÂY BẮC

----------------------------






Tôi bắt đầu chuyến đi vòng quanh Tây Bắc bằng xe máy lần đầu tiên vào một ngày cuối tháng 9 năm thứ nhất đại học. Tôi 18 tuổi, mặt non choẹt, người ốm nhách cưỡi trên chiếc xe yêu quý. Đó là món quà cho việc đỗ đại học ở vé vớt. Chiếc xe Sirius đời đầu, loại số bập bênh đã qua sử dụng với tôi là thứ giá trị nhất ở thời điểm ấy. Vậy là, tôi có thể tự đi đến những nơi tôi muốn đến, với người bạn đồng hành của riêng tôi.



Hà Nội những ngày thu ảm đạm và ngạt thở. Tôi đã ở thành phố này khá lâu rồi, nhưng vẫn cảm thấy mình chẳng ăn nhập gì với phố xá đầy xe cộ, khói và tiếng ồn. Bốc điện thoại lên, tôi tìm kiếm một ai đó, hi vọng bất kể ai đó để đi cùng... tới bất kể đâu. Danh ba điện thoại của một con bé 18, lấy đâu ra nhiều nhặn, vả lại đang giữa tuần, không ai có đủ thời gian cho những chuyến đi cả. Tôi quyết định, thế là một mình.



Sau 5 tiết học sáng, tôi về nhà thu dọn hành lý, và lên đường. Ra đến cầu Thăng Long, tôi vội vã giở bản đồ: Quái, mình định đi đâu nhỉ??? Thôi thì... một vòng Tây Bắc xem sao, bỏ học 1 tuần cũng không chết. Suốt những năm đại học, tôi đã bỏ rất nhiều tuần như thế và không hề chết.



“ Bố ạ, con định đi...” “Ừ để bố thu xếp công việc rồi cùng đi” Tôi chưa kịp nói về nơi tôi định đến, bố đã cắt ngang câu chuyện. Với gia đình con cái lúc nào cũng bé bỏng... “Ý của con là con muốn đi một mình” Bố tôi suy nghĩ và trả lời: “Thế đi cẩn thận nhé, nhớ gọi điện về thường xuyên, cần bố sẽ đến”



Trong cuộc đời, khi người ta đã vượt qua lần thứ nhất thì những lần sau sẽ rất dễ dàng. Với bố tôi cũng vậy, tôi hầu như sống xa bố mẹ từ nhỏ, phần lớn thời gian tôi ở với bà nội, trừ những chuyến đi bản và ở bản cùng bố... Thế nên, nếu như đứa con gái này, có đi xa thêm nữa, vẫn cũng là đi xa...



Tôi đã chạy xe suốt buổi chiều. Những ngày đầu tiên đi dài ngày, tôi chẳng có chút kinh nghiệm nào. Khi ấy thông tin trên mạng còn ít, mà tôi cũng không dùng mạng. Tôi không có đồ sửa xe. Và cũng không biết sửa xe. Chỉ có quần áo mang theo, đồ ăn vặt mua trên đường, bộ quần áo mưa vài ít dây buộc đồ. Mất 4 tiếng để đến Thị trấn Yên Bình. Trời bắt đầu tối, sau khi ăn tối qua loa tôi quyết định đi tiếp. Đường lên Lào Cai tôi đã đi khá nhiều rồi, nhưng chưa bao giờ tự lái xe. Lại là bóng tối và những sợ hãi. Khi ấy tôi vẫn chưa chiến thắng nổi bản thân mình. Đôi tay run và đôi chân lạnh, tôi giảm tốc độ để cố gắng hít sâu mùi của cây cỏ đang tan trong không khí. Phải rất lâu sau này, sau rất nhiều chuyến đi xa như thế, tôi mới thực sự không còn cảm thấy hoang mang về những quyết định của mình.



Cái cảm giác hạnh phúc tung tăng đi giữa đất trời không phải cứ đi một lần là đã có được. Có những người đi một lần... và mãi mãi không dám độc hành. Còn tôi, tôi đi cho đến khi bản thân mình tìm được hạnh phúc và tình yêu với những con đường.



Có tiếng hát véo von cất lên giữa đêm se lạnh, nửa câu được nửa câu không... Tiếng hát ấy được đệm bởi những âm thanh kỳ lạ của đêm, mà ai đã từng chạy xe trên những con đường núi khi trời khuya đều gặp phải. Tình yêu với miền cao đã được nhém nhom trong những khoảnh khắc giản đơn như thế!



Đường mỗi lúc một xấu, đoạn từ Yên Bái lên Bảo Yên với tôi là một cực hình. Tôi buộc phải dừng chân ở Phố Ràng vào lúc 10h đêm. Có một giấc ngủ sâu không mộng mị...



Suốt 6 năm rong ruổi, tôi luôn có những giấc ngủ ngon. Có lẽ bởi tôi đã và đang làm điều mà mình mơ ước, khi trái tim bạn mang nặng đam mê, thì lý trí của bạn sẽ dẫn bạn đến nơi nhiều ánh sáng nhất. Không nghĩ ngợi, không lo toan... Tuổi trẻ sẽ luôn là những chuyến đi như thế.

Và rồi tôi lại lên đường, với nắng, với gió, với hương thơm của lúa đang độ trĩu bông. Tôi đi qua thị xã nơi bố mẹ tôi đang sống, nhưng không dám dừng lại. Bởi tôi sợ những êm ấm gia đình, những bửa cơm ngon mẹ nấu sẽ lại níu chân tôi. Thôi thì cứ đi đi, đời người như gió thoảng.



Sự cố đầu tiên trong chuyến đi là chiếc xe bị thủng săm, mà oái ăm là ở đúng đoạn cua 3 tầng lên Sapa. Không còn cách nào khác, tôi đi xe bằng vành. Tay lái bỗng nhiên nặng trịch, không có chiếc xe nào đi ngược chiều. Nếu muốn sửa xe tôi phải cố gắng trụ được 10km nữa. Mỗi khi gặp khó khăn, đứa con gái yếu ớt trong tôi như biến mất, tôi nhắc mình phải vững vàng... và suốt ngần ấy thời gian trôi qua kể từ sáng hôm đó, tôi chưa một lần bi quan hay gục ngã trong một chuyến đi dù gian khổ thể nào.



Thời giạn có thể khắc lên khóe mắt tôi những vết nhăn, nhưng không thể xóa đi sự lạc quan và nụ cười trên môi... Những chuyến đi đã dạy cho tôi rất nhiều, sự sợ hãi chỉ dành cho những kẻ hèn nhát, và nước mắt chỉ nên dành cho những người ta thực sự yêu thương.



Sapa – vốn dĩ vẫn yên bình như thế. Nhưng so với Sapa của những năm đầu của thập niên 90 thì đã khác xa rồi. Không còn là nơi mà ngày xưa tôi đi bộ mòn chân trên những con đường pha lẫn đất đá, nhà nghỉ khách sạn đã mọc lên ầm ầm. Muốn tìm một vài khóm thược dược như xưa còn khó, nói chi đến mận, đào trồng ngay trước cửa nhà. Ký ức về thị trấn này, với tôi, có lẽ đẹp đẽ nhất chỉ có trong trí nhớ của một đứa trẻ lên 7, 8. Sapa ngày trước lạnh hơn giờ, tự dưng khi ấy, tôi thèm cái cảm giác ôm cục băng trong cái bể trước nhà vào đun nước uống... Giật mình, giờ mới là tháng 9.



Sau một hồi quanh quẩn trong thị trấn, sợ bắt gặp một ai đó thân quen, tôi quyết định đi bản. Tôi không đi Cát Cát hay Mường Hoa như mọi người. Tôi đi Bản Khoang. Dù chưa một lần đến, nhưng tôi đã nghe về nó rất nhiều qua những câu chuyện của bố. Đó hẳn là nơi tôi phải đến.

30km đường đi với hết lên dốc, xuống dốc và cả những khe suối nước chảy ngang đường, tôi vẫn tin mình đúng khi lựa chọn đây là điểm đến. Vốn dĩ là bản của người Dao đỏ mà người đời ác miệng vẫn hay gọi họ bằng cái tên Mán cạo đầu, bản Khoang như tách biệt với Sapa hiện đại.



Đêm hôm ấy, tôi xin ngủ lại nhà chú Trìu – công an viên của xã. Và món quà mà tôi tặng cho gia đình chú là nửa cân mỳ chính. Có ngần ấy thôi, mà với họ như một gia tài. Nơi đây, vẫn còn nghèo lắm. Tôi thấy điều ấy trong ánh mắt của lũ trẻ đầu bản, ngơ ngác và héo hon. Hôm ấy, tôi được tiếp đón nồng hậu, trong men rượu cay nồng của thứ rượu thóc bản Khoang. Đã từng thử rượu Ngô Bắc Hà, San Lùng – Mường Khương... nhưng cái vị nồng nàn của rượu bản này làm tôi suốt đời không quên được. Phải chăng tôi say tình người chứ không phải rượu?



Đó cũng là lần đầu tiên tôi được ăn dòi, thứ đặc sản mê hoặc và sợ hãi. Thứ dòi ấy được nuôi trên 1 tảng thịt lợn treo trên bếp. Người ta đập miếng thịt để lộ ra những con dòi béo ngậy. Rồi cứ thế mà rang ăn. Đó là món ăn kinh khủng đầu tiên, nhưng không phải cuối cùng trong cuộc đời đi Phượt của tôi, sau này tôi còn thử nhiều món ăn... rùng mình hơn thế. Ai đi Phượt mà chẳng một lần ăn mèn mén – món ăn truyền thống của người H Mông, rồi đến thứ thịt lợn muối ung ủng trong những cái chum to cao ngất, rồi thì Thắng cố Bắc Hà, nước chấm chẩm chéo... Món nào cũng... rờn rợn cả.



Ngày hôm sau tôi lên đường đi thăm thác Bản Khoang, đó là một con thác nhỏ chảy từ một đỉnh núi có cái tên lạ lẫm bằng tiếng dân tộc. Cũng như bao con thác mà tôi đã đi qua, nhưng theo người dân quanh đó kể lại: Người Dao Đỏ ở khu vực này giải bùa bằng dòng nước suối kỳ diệu kia. Chuyện bùa ngải của người Dao, không ít người đã nghe đến. Khác với người Dao Tiền ở Phú Thọ có tục chọc sàn na ná người Mường, Người Dao Đỏ thường làm bùa bằng tóc rối, ấy là nghe thế, thực hư thế nào tôi cũng chẳng hay. Có một người đã nói với tôi rằng, đừng bao giờ cố gắng tìm hiểu về những bí mật của người khác, cách tốt nhất là luôn biết giữ im lặng. Vậy đấy!



Trong cuộc đời không phải khi nào biết nhiều cũng tốt, chúng ta luôn đi tìm kiếm những ranh giới, nhưng đừng bao giờ vượt qua những giới hạn. Tôi đã đi tìm ranh giới giữa những xã hội người, mà ở đó tôi được trải nghiệm, một cuộc sống mà tôi chưa bao giờ có.



Tiếp tục với cuộc hành trình của mình, tôi tìm đến một bản Dao Đỏ khác – bản Tả Phìn. Qua một con song nhỏ chảy từ Bản Khoang, tôi đến với Tả Phìn. Du lịch dường như đã tác động khá nhiều đến bản làng này. Ngay từ đầu bản, khu trưng bày đã hiện ra, cùng những lời chèo kéo của những phụ nữ Dao về những ấn phẩm du lịch đơn giản. Ngó sang một bên là khu tắm lá thuốc được nhà nước quy hoạch đàng hoàng, đi them chút nữa có khu chế tác bạc và đá mỹ nghệ, rồi mới đến đường vào bản.



Du lịch vào là văn hóa mất, thật may nơi đây, sự hoang sơ ít nhất vẫn còn… Những ngôi nhà mái lô xô trong nắng, và xung quanh ấy, những bộ quần áo nhàu nhĩ ngai ngải mùi chàm treo lộn xộn trên những chiếc sào nứa. Những đứa trẻ lem luốc bám lấy tôi như thể tôi là sinh vật lạ duy nhất mà chúng thấy. Trẻ con, ở bất kể nơi nào, bất kể thời điểm nào cũng thật đáng yêu… Tôi cũng từng là trẻ con, cũng từng đi qua một tuổi thơ cơ cực, để rồi mỗi lần trên những ngả đường, tôi luôn chạm phải ký ức của mình những ngày thơ ấu.



“ Vào nhà tao chơi đi” Tiếng nói lơ lớ của những người phụ nữ Dao cứ thi thoảng lại cất lên, tôi chỉ biết mỉm cười. Bố tôi đã từng bảo, người Mán Đỏ, họ thích khoe nhà lắm, lúc nào cũng mời mọc mình vào nhà, nhưng đừng vào. Cũng không hiểu tại sao bố dặn tôi như thế. Sau tất cả những chuyện đã trải qua, tôi hiểu cách tốt nhất là luôn nhớ những lời khuyên của bố.



Chiều hôm đó, tôi đi động Tả Phìn. Hồi cấp 3, tôi cũng từng đi động Tả Phời ở Cam Đường. Đó là một cái động sâu xuống long đất và không có lối ra. Động Tả Phìn cũng vậy… Mấy đứa bé dẫn đường mà tôi thuê với giá 5 nghìn 1 chiếc đèn pin nói chúng cũng chưa 1 lần đi hết hang động, nghe đâu dài 3 cây số. Tôi thuê 3 đứa, có nghĩa là chỉ phải trả 15 nghìn cho 3 đứa bé cùng 3 chiếc đèn. Lối vào không có đèn, sâu hun hút. Tôi nhận thấy mùi ẩm thấp xộc thẳng vào phế quản mình, hơi lạnh từ dưới lòng đất lùa vào da cứng người.



Ngoài trời đang nắng chói chang, nhưng trong hang, ngoài ánh sáng của 3 chiếc đèn, là màu xám xịt của đá và rêu chết. Tôi thấy xung quanh nhớp nháp, nhưng không quá khó khăn để đi quãng đầu tiên. Xuống được chừng 500m, tôi không còn thấy lối mòn nữa, lũ trẻ nói, phải tiếp tục tụt dây xuống dưới. Dưới chân tôi là một cái hốc đen ngòm, đủ một người lọt qua… Có tiếng u u từ xa vọng lại. Lại là sợ hãi, tôi rụt chân lại và quay ngược trở ra. Lũ trẻ biết tôi không thể đi tiếp, mặt tôi tái nhợt không rõ vì lạnh hay vì nỗi sợ đang đè chặt nơi ***g ngực…Sao những bóng đen, cứ mãi ám ảnh tôi???



Tôi bị ngã trên đường quay trở ra, hang quá trơn hay đôi mắt đã mờ khi mải nghĩ về cái lỗ đen sâu hoắm ấy. Không ai biết, chính tôi cũng không biết. Chỉ biết rằng đã đến lúc phải rời đi…



Sẽ chẳng lòng vòng kể từng ngày dài lê thê trong suốt một tuần đi Tây Bắc ấy nữa, bởi chuyến đi tôi chắc cũng giống mọi người: ngày chạy đèo đổ ải, đêm chìm trong giấc ngủ sâu… Tôi đến nơi mà mọi người đến, và tìm thấy tự do riêng mình giữa lưng chừng núi.



Có một nơi tôi không thể không nhớ, ấy là con đèo trên đường về Tuần Giáo, nằm trên quốc lộ 6 cũ. Đó là một buổi chiều trong những ngày cuối của cuộc hành trình, trời có rất nhiều sương… Đã chuẩn bị vào đông nên chút sương chiều cũng khiến kẻ độc hành như tôi thấy nao nao. Tiếng hát không còn trong như trước nữa, nhưng hạnh phúc thì chẳng vơi cạn chút nào. Có tiếng ai gọi tôi vọng lại từ rất xa, và hình như có ai đó đang đuổi theo tôi. Ở cái nơi cô quạnh giữa lưng chừng đèo này, liệu tôi có thể quen ai chứ? Tôi cố gắng chạy xe thật nhanh, nhanh hơn nữa… Tôi quên mất mình đang xuống dốc. Cái ý nghĩ phải thoát thật nhanh khỏi nơi này làm cho tôi thấy vội vã hơn, quờ tay sờ vào túi quần tìm điện thoại, nhưng những ngón tay cứ run lên. Tiếng gọi tôi mỗi lúc một rõ ràng, như thể người ấy đang ngồi ngay sau xe tôi vậy. Thật khó để có thể diễn tả cảm xúc khi ấy, vừa run sợ, vừa đau đớn…



Tôi đã đi qua rất nhiều sự sợ hãi, mà chẳng lần nào giống lần nào. Người ta bảo con người luôn thích thú sự sợ hãi cũng như một đứa trẻ thích nghe truyện ma vậy. Khi đi qua những nỗi sợ, tôi thấy mình như một anh hùng.

Đêm hôm ấy tôi bị sốt, và hay chăng tiếng gọi ban chiều, chỉ là ảo giác. Đêm Tuần Giáo, nửa tỉnh nửa mê.



Rồi tôi cũng trở về thủ đô sau đó 2 ngày. Một chuyến đi dài nhưng không quá vất vả…đủ để tôi lại ôm mộng về những cung đường mới.





******



Hạnh phúc giản đơn chỉ có thể, chỉ là đi và đến, là đi qua cả những khó khăn và nỗi khiếp sợ tồn tại ngay trong chính bản thân mình.





Hà Nội ngày về tôi thấy đẹp hơn, cái cảm giác của một đứa con xa nhà lâu ngày, được gặp lại những gì thân thuộc sao diệu kỳ đến lạ.





Đâu chỉ có đi mới là hạnh phúc, ngày về đôi khi còn ấm áp bội phần.
 
Top