• Đăng ký nhanh... Đăng nhập bằng Facebook

Tìm lại Pleiku trong kí ức

loc3d

Member






Tôi đi học xa. Mấy năm sau trở về, bên đường Lê Lợi không còn thông, các khu khác thông cũng vợi đi từng mảng. Hụt hẫng chới với như vật báu gì của mình bị mất. Pleiku lên thành phố, hàng muồng hoa vàng bên đường Trần Hưng Đạo lặng lẽ ra đi. Bao nhiêu chỗ đất của thông nhường chỗ cho nhà lầu, khu vui chơi, khách sạn…







Đường Trần Hưng Đạo là con đường đẹp nhất nhì của Pleiku (đường Trịnh Minh Thế, trước 1975). Ngày trước, hai bên đường toàn cây cổ thụ tán giao nhau, quanh năm tỏa bóng. Mỗi lúc đi qua con đường ấy, có cảm giác như đang chui vào một cái hang xanh rợp mát. Mỗi mùa đường Trần Hưng Đạo lại có một vẻ đẹp riêng. Thích nhất là mùa hoa vàng rụng như tấm thảm trên mặt đường. Đầu mùa mưa - hơi sợ một chút - nhiều sâu lắm, sâu cong mình bò lổm ngổm trên đất, sâu đánh đu trên những sợi tơ lơ lửng ngay tầm mắt người đi đường. Nắng lên, những chú sâu ấy lại hóa đàn đàn lũ lũ bướm vàng nô giỡn tung tăng, đậu cả lên cổ lên vai khách bộ hành.







Tôi đã lớn lên ở cái thị xã* cao nguyên nhỏ bé rợp bóng cây xanh này. Muồng* hoa vàng, khuynh diệp,… cây nào cũng vạm vỡ, phóng khoáng, tràn trề. Nhưng nhiều nhất vẫn là thông, yêu nhất vẫn là thông. Thông vi vút khắp nơi. Nhà cửa, đường đi êm đềm nép dưới bóng thông - những* cây thông to lớn, vững chãi và kiêu hãnh. Bọn trẻ chúng tôi tha thẩn dưới gốc thông, nhặt lá thông ngồi tết như tết tóc, nhặt quả thông rụng làm con công con gà, cái hoa cái nụ mà chơi, nhìn quả chi chít trên cành ước gì nó ngọt mềm. Chiều tà chỉ nhau ngóc cổ nhìn đám sương tím mờ giăng mắc giữa tán thông xanh, đến mùa thông thắp nến thì tranh nhau xí cây thông có dàn nến đẹp, mơ màng tưởng tượng bữa dạ tiệc thần tiên của những người khổng lồ thắp sáng bằng những búp thông non, mặc kệ bên lề đường những bóng người nhỏ bé lặng lẽ quét lá thông về đun nấu. Không phải đứa nào trong đám trẻ ngày xưa cũng được học hành đến nơi đến chốn, nhưng đứa nào lớn lên cũng có chút vốn liếng đời sống tâm hồn, lưu lạc đến góc bể chân trời nào cũng tha thiết yêu cái thị xã êm đềm thuở nhỏ. Phải chăng một phần nhờ những hàng thông? Đọc sách biết rằng cây thông có khả năng sát trùng, thanh lọc không khí rất tốt. Thảo nào ở gần thông thấy dễ chịu đến thế. Cái màu trời xanh trong suốt, dịu lành êm ái đặc biệt của Pleiku xưa có phải một phần cũng nhờ những hàng thông?



Hàng xóm nhà tôi có nghề cưa cây, sân nhà bác ấy khi nào cũng có những khúc gỗ thông rất lớn. Chúng sẽ được chẻ ra làm củi ngo, bán từng bó nhỏ cho người ta nhóm bếp. Mùi gỗ thông từ sân nhà bác ấy tỏa ra khắp xóm, thành một thứ hương khó quên ướp thơm cả một quãng đời. Bác hàng xóm lấy thông từ nơi nào xa lắm và chẳng khi nào mong bán được nhiều củi ngo: “Bất đắc dĩ thì phải làm thôi, chứ chặt một cây thông tiếc đứt cả ruột. Ăn của rừng rưng rưng nước mắt đấy”. Bao năm người Pleiku nhóm bếp củi ngo mà những cây thông trong phố của chúng tôi vẫn không hề mất.
Đà Lạt vốn được coi là xứ sở ngàn thông. Người Đà Lạt tự hào về những rừng thông chập chùng không dứt. Tôi đã cam đoan với người Đà Lạt bằng một niềm hãnh diện không cần giấu giếm rằng tìm khắp Đà Lạt cũng không thể có* những cây thông già hoành tráng, đẹp đẽ như những cây thông ba lá ở Pleiku.
Tôi đi học xa. Mấy năm sau trở về, bên đường Lê Lợi không còn thông, các khu khác thông cũng vợi đi từng mảng. Hụt hẫng chới với như vật báu gì của mình bị mất. Pleiku lên thành phố, hàng muồng hoa vàng bên đường Trần Hưng Đạo lặng lẽ ra đi. Bao nhiêu chỗ đất của thông nhường chỗ cho nhà lầu, khu vui chơi, khách sạn… Pleiku của mình mà bỗng thành kẻ lạ. Vắng thông, Pleiku như cô thôn nữ hương đồng gió nội bay đi ít nhiều. 
Rồi một ngày đẹp trời, nghe bảo thông đã được trồng lại, bao nhiêu người vui mừng. Có người ngày nào cũng đáo qua đường Trần Hưng Đạo rồi ra những thông báo cập nhật về thông bên bàn cà phê mỗi sáng. Một mùa mưa qua, những cây thông đã bén rễ xanh chồi, hàng thông nhỏ vẫn bồi hồi thắp nến. Pleiku đang lấy lại nét duyên riêng. Báu vật cao nguyên đang chậm rãi trở về.

Trương Lệ Hằng​
 
Top