• Đăng ký nhanh... Đăng nhập bằng Facebook

Bay như chim trên đỉnh núi Xín Mần Hà Giang

truongmd

New Member
Bay như chim trên đỉnh núi Xín Mần Hà Giang



Đó là lần tôi và thằng bạn trong chuyến khảo sát môi trường phục vụ xây dựng lại các cầu ở các tỉnh miền núi phía Bắc vào cuối năm 2002. Chuyến đi này rất đáng nhớ vì tôi quyết định lấy chiếc xe máy future của mình ra để rong ruổi. Lý do chính chỉ là tiết kiệm tiền, chứ thuê ô tô hay bắt xe khách hoặc tầu thì sẽ tốn kém. Thêm nữa, tôi và thằng bạn cũng có máu lãng tử. Thế là tặc lưỡi lên đường.

Hồi ấy tôi cũng chẳng biết có phong trào phượt phọt gì cả, chứ nếu biết chắc mẩm sẽ lên mạng rủ vài thằng cùng đi, có khi lại vui hơn. Chuyến đi này có rất nhiều kỷ niệm mà tôi không quên được, đặc biệt là nó liên quan đến thằng bạn tôi, giờ đã sang thế giới bên kia. Vì vậy mỗi lần nhớ đến nó tôi lại nhớ về chuyến đi này. Hành trình của chúng tôi là Hà Nội – Vĩnh Phúc – Phú Thọ - yên Bái – Lài Cai – Hà Giang rồi trở về Hà Nội. Vì tự dưng nhìn thấy mấy cái ảnh Hà Giang đẹp quá nên tôi có hứng kể về chuyện tôi đến Hà Giang trước. Từng chặng đường khác trong chuyến đi tôi sẽ lần lượt kể cho đến hết thì thôi.

Quay lại chuyện đi Hà Giang, khi đó chúng tôi đang ở nhờ tại trạm khí tượng Lào Cai, tôi có dò hỏi đường từ Bắc Hà sang Hà Giang có dễ đi không. Con trai anh trưởng trạm tuổi cũng xấp xỉ bằng chúng tôi nói chắc là đi được đấy. Bạn này bồi hồi kể lể hồi xửa hổi xưa khi bạn đi lính nghĩa vụ đóng quân gần đấy với ánh mắt xa xăm, gợi lại vài kỷ niệm khi nhắc tên địa danh Simacai, Hoàng Su Phì, đường biên Việt Trung, rồi bạn ý kể nào là người dân tộc ở trên đó giầu vì trồng thảo quả, quế, rồi bạn toàn vào nhà dân uống rượu và ăn mèm mém – ngô. Tôi nghe cũng thích thích là, có vẻ đồng bào gần gũi và mến thương lắm đây, lại còn rừng thảo quả nữa chứ. Anh trưởng trạm bồi thêm mộng tưởng của tôi khi đưa thông tin bọn Tây hay đến Bắc Hà chơi lắm. Khà khà, Tây đến thì chắc là phải có gì hay ho chứ.

Thế là quyết luôn, sáng hôm sau sẽ lên Bắc Hà theo đường mòn để vòng sang Hà Giang, thăm thú cái cầu có cái tên Cốc Pài ở Xín Mần (nếu đi bằng đường quốc lộ chính thì từ Lào Cai sang điểm khảo sát ở Hà Giang rồi quay về sẽ mất đứt 3 ngày). Nhìn trên quyển bản đồ thấy có vẽ đường, tôi lạc quan lắm chắc mẩm kiểu gì cũng đi được thôi, sợ gì chứ. Với ý nghĩ nếu có đường thì đi, không có đường thì lên Bắc Hà một lần cho biết. Bắc Hà nổi tiếng với rượu và mận (à mà lúc đó tôi chỉ nghĩ cái tên Bắc Hà quen quen thôi, chứ chưa kịp biết có rượu và mận).

Do bữa nhậu say mèm đêm hôm trước, chúng tôi chui vào giường ngủ vùi. Thời tiết rét buốt, sáng dậy chúng tôi co ro sun hết cả trym, vừa đi vừa nhẩy lò cò. Nhiệt độ sáng hôm đó ở trạm hình như là 5 độ C, đêm chắc còn lạnh hơn nữa. Cái rét làm nản lòng nhiệt tình khám phá. Nhưng tặc lưỡi công việc phải đi thôi. Ăn sáng xong, chúng tôi khoác ba lô tiễn biệt Lào Cai lên đường thẳng tiến. Càng đi, trời càng hửng nắng. Cái nắng vàng trong ngày đông giá rét sưởi ấm toàn bộ cảnh vật. Suối, rừng cây, cánh đồng cứ đan xen lẫn nhau. Đất đai phì nhiêu mầu mỡ, nguồn nước dồi dào nên khu vực chân núi dân cư sinh sống có vẻ đông. Tuy nhiên sầm uất cũng là chỉ so với miền núi mà thôi chứ còn bản làng thì vẫn lúc ẩn lúc hiện, hòa lẫn với rừng cây.

Đường lên Bắc Hà khá tốt, con future của tôi băng băng tiến lên. Chừng gần ba tiếng sau, chúng tôi đã bò lên sườn núi. Càng lên cao, mây mù càng nhiều. May đường lên Bắc Hà chuẩn bị hoàn thành nên khá tốt, chỉ có tầm nhìn là cản trở việc đi lại. Cách Bắc Hà khoảng 10 km thì tầm nhìn giảm hẳn, mù mịt, tầm nhìn chỉ độ 4-5 m. Dốc lại khá cao, chúng tôi vừa đi vừa bò trên đường. Xe máy chỉ dám cài số 1, thỉnh thoảng chỗ đỡ dốc hơn thì cài số 2. Những đoạn đường nguy hiểm thế này tôi thích tự mình làm chủ hơn nên cầm lái, thằng bạn ngồi sau ôm ghì lấy mình đau hết cả bụng. Nhiều đoạn căng mắt lên nhìn nhưng mây phủ kín đặc, cũng may hầu như trên đường chẳng có ai. Vừa đi, vừa dò dẫm cuối cùng cũng lên đến Bắc Hà. Cái cảm giác ban đầu tự thốt lên ôi cái thị xã bé xíu, bên ngoài thì bẩn thỉu, nhếch nhác, sao thị trấn miền núi gì mà bụi mù thế này nhỉ. Nhưng càng đi càng bất ngờ, vào đến khu vực trung tâm thị xã thì mới thấy cái thanh bình, yên ả của một khu dân cư tí teo miền núi.

Những vườn mận, vườn đào đã có lấm tấm hoa trắng trên thân cành cây khô, tôi mắt kém nhìn qua tưởng dân rắc vôi bột để trừ sâu bệnh (chán vãi).

Loanh quanh 1 hồi thì cũng dừng đúng cửa cái chợ Bắc Hà. Khi tôi ngó nghiên thì cậu bạn reo lên ồ à hình như đã lên đây công tác 1 lần rồi. Nó gợi ý bảo vào trạm khí tượng để chào các đồng nghiệp, và hỏi đường đi sang Hà Giang thế nào. Cũng may mà trạm đo được thành lập thời xửa thời xưa từ hồi thực dân Pháp nên quy hoạch tử tế lắm luôn nằm ngay chỗm chệ trung tâm nên chúng tôi dễ dàng tìm ngay ra được (chứ không như bây giờ toàn đặt ở vị trí dớ dẩn). Trạm đóng cửa, người cũng đi đâu hết, nên tôi lò dò hỏi thăm luôn nhà anh trưởng trạm. Cũng rất dễ tìm, thị xã miền núi thì chẳng có gì là khó khăn cả, mọi người đều có mối liên hệ với nhau mà. Anh trưởng trạm tiếp chúng tôi và cho biết có thể đi sang Hà Giang từ đây nhưng đường rất khó đi. Anh bảo cũng là nghe nói thế chứ cũng đã đi bao giờ đâu. Anh tư vấn là chúng tôi nên thuê xe minkhơ thì mới đi được và nếu cần anh sẽ tìm xe ôm cho. Phần vì chẳng biết đường đi, thêm nữa nhờ trực giác và kinh nghiệm khảo sát mách bảo, chúng tôi nghe lời khuyên bỏ con future ghẻ của tôi lại và quyết định đi xe ôm.

Xe ôm là một người đàn ông dân tộc Nùng khỏe mạnh, lực lưỡng. Phán một câu chắc nịch 100.000 VNĐ/1 xe cho cả đi lẫn về trong 1 ngày. Và chúng tôi 2 người thì phải thuê 2 xe, anh ta sẽ tìm thêm 1 xe nữa. Đi xe ôm mà với giá này trong thời điểm đó thì cũng không hề rẻ, (vì lương công chức của tôi lúc đó hình như chỉ độ 400.000 đồng/tháng). Mặc cả một vài câu anh kiên quyết không hạ giá. Nghĩ đi đường rừng khoảng gần 100 km (2 chiều), nếu không đi rồi quay về đi đường khác thì cũng chết, thế là đồng ý, hẹn sáng hôm sau dậy sớm xuất hành.

Chúng tôi tìm 1 nhà trọ ở trung tâm. Bình thường tây balô cũng hay tìm lên Bắc Hà chơi. May hôm đó chẳng có khách khứa gì cả. Ông chủ nhà trọ trước là chủ tịch thị xã đã về hưu, trước cũng học trường đại học thủy lợi. Nói chuyện 1 hồi hóa ra ông cũng đã từng học với ông sếp của tôi, trái đất bé xíu, toàn quen biết nhau cả. Chọn phòng và bảo chủ nhà làm cơm cho. Lúc này cũng đã 1-2 giờ trưa rồi. Ăn uống và tắm rửa xong, hai thằng lăn quay ra ngủ.

Khoảng 5 giờ chiều, chúng tôi dậy đi dạo phố, đi qua khu chợ Bắc Hà thấy lác đác bà con người dân tộc đến chuẩn bị cho chợ phiên vào sáng hôm sau. Chiều buông xuống nhanh chóng, và nhà nhà chuẩn bị lên đèn. Chúng tôi rủ 2 anh ở trạm khí tượng đi nhậu.

Những ai lên Bắc Hà mà không uống rượu thì quả thật sẽ phải hối hận. Rượu Bắc Hà nghe nói nấu bằng ngô và men lá. Dân bản địa bảo ngon nhất chính là rượu của mấy nhà gần cuối thị xã, nơi có vài cái giếng nước tốt. Nhìn chung, rượu Bắc Hà không có mùi thơm nồng nàn và vị ngọt đầu lưỡi của quốc lủi nấu bằng gạo nếp dưới xuôi, nhưng nó lại có dư vị khác khó tả, càng uống càng thấy đậm đà. Trong không gian lạnh giá và ẩm ướt do mây và hơi nước, ngồi dưới mái hiên quán nhậu tí tách từng giọt mưa bụi mà lai rai cùng những người quen biết lần đầu thì không có thú vị nào bằng. Món nhắm trên Bắc Hà lúc đó chẳng có gì khác ngoài thịt ngựa, ngựa nấu măng, ngựa luộc, hay gì gì đó, nhưng tôi chỉ còn nhớ duy nhất món ngựa tái lăn. Tay nghề đầu bếp dưới mức trung bình, nhưng sau khi làm vài chén rượu thì ngựa tái lăn ăn cũng thành đặc sản.

Chúng tôi chén tạc, chén thù chắc đến hơn 10 giờ đêm, khi quán đến giờ đóng cửa đuổi khách. Hai thằng chúng tôi chia tay các anh ở trạm và lất ngất mò về nhà nghỉ. Bò vào đến phòng là nằm thẳng cẳng. Sáng hôm sau, chịu chẳng nhớ là tại sao tối hôm trước say ngoắc cần câu mà lại mò được về đến phòng. Dậy được sớm nhờ có cái lạnh thấu sương, bật bình nóng lạnh lên rồi tắm táp xong xuôi thấy trong người sảng khoái lạ thường. Lần đầu tiên uống rượu say mà hôm sau trong người cảm thấy khỏe mạnh, hào hứng. Trong đầu chợt nghĩ, cái nổi tiếng của rượu Bắc Hà chính là thế này đây.

Tôi và thằng bạn ra chỗ hẹn 2 anh lái xe ôm. Hai người đàn ông cùng 2 con minkhơ chờ sẵn. Tôi to con hơn thằng bạn nên chọn xe của người đàn ông Nùng cho chắc ăn. Rù sao thì lái xe đô con thì cũng làm mình tự tin hơn, thằng bạn tôi gầy yếu thì xe ôm nhỏ hơn cũng là phù hợp. Chúng tôi lên xe và thẳng tiến, đích đến là Xín Mần - Hà Giang, tìm cái cầu có tên là Cốc Pài.

Ra khỏi thị xã khoảng 3 km, chúng tôi chui vào con đường đất và ngược lên đỉnh núi, không rẽ vào lối đi Simacai. Càng đi đường càng xấu, và bé. Chúng tôi như lạc vào trong rừng, hai bên toàn cây cối, rất hiếm khi gặp nhà dân gì cả. Đôi khi nhìn xa còn thấy mấy nóc nhà có cắm cờ, anh xe ôm bảo đấy là các đồn biên phòng, vì đây là khu vực biên giới.

Có đoạn khoảng 300-400 m, xe đi như trên đường mòn, toàn đá hộc, ngồi trên con minkhơ mà cứ như là ngồi trên con ngựa đang leo lục cục trên vách núi. Băng qua mỏm núi, xe sang đến địa phận Hà Giang tự dưng mặt đường lại đẹp hơn hẳn, tuy nhiên cứ 1 bên là núi 1 bên là vực. Đường mới làm nhưng đã bị sạt lở nghiêm trọng. Nhiều đoạn bị đất đá lở chắn ngang, có chỗ lại bị sụt taluy âm, xe men theo vách núi mà đi.

Đường xa và nguy hiểm nhưng bù lại cảnh rất đẹp, hơn nữa trò chuyện với anh dân tộc cũng khá thú vị. Anh kể có vợ là người kinh ở dưới xuôi, hơn chồng đến 3-4 tuổi gì đó, rất thích anh nên kiên quyết ở lại Bắc Hà để lấy anh cho bằng được. Mình đùa bảo, anh đẹp trai khỏe mạnh như thế mà cũng chịu lấy vợ hơn tuổi à. Anh bảo mình có rất nhiều cô thích, nhưng vợ anh xinh đẹp nhất, mà anh là người dân tộc Nùng nên phải vất vả yêu vợ mãi vợ mới chịu lấy. Vợ chồng anh cũng đã có 4 đứa con rồi. Chuyện trò vui vẻ nên đường đi cũng ngắn lại.

Núi rừng bên Hà Giang có thảm thực vật thay đổi khác hẳn. Bên Lào Cai cây cối nhiều, tốt tươi, bên này thì đồi núi trọc lốc, khô cằn. Đường ngoằn nghèo như con rắn uốn lượn. Trên dốc núi thỉnh thoảng cũng nhìn thấy thấp thoáng 1 nóc nhà. Từ đỉnh núi, chúng tôi lượn như chim én. Lúc thì chao nghiêng, lúc thì lao thẳng từ trên cao bổ nhào xuống. Trong lồng ngực có cảm giác bồng bềnh, chập chờn như kiểu đang trên tầu lượn. Quả núi chúng tôi đang đi cao vọt, nhìn xuống dưới, thị trấn phía xa kia cũng nằm ở lưng chừng, sau đó ở dưới nữa là cả 1 thung lũng trải dài ngút tầm mắt và tiếp đến là dãy núi bao quanh. Trời bừng nắng làm cho phong cảnh như đọng lại thật hùng vĩ. Nếm trải cái cảm giác này thì mới thấu hiểu tại sao người Mèo lại có ý thích sống trên cao, họ muốn như chim tự do, nhìn ngắm giữa bầu trời. Tôi quắp chặt lấy anh xe ôm trên chiếc minkhơ tắt máy và lao dốc, lượn vòng vèo khoảng tiếng đồng hồ thì cũng đáp xuống được cái thị trấn của huyện Xín Mần. Trị trấn đìu hiu và buồn tẻ. Những ngôi nhà chình tường dầy cộp có vẻ xưa cũ là cái lạ lẫm đối với tôi. Đi vào khu chợ trung tâm, thấy vắng vẻ chẳng có ai, mấy hàng bán nông cụ như dao, cuốc và vài cái chảo gang mà hình như không người mua. Lác đác có mấy phụ nữ áo váy xanh đỏ cũ kỹ thẫm mầu thấp thoáng sau nếp nhà, vài đứa trẻ mắt to tròn, có đứa thì cởi truồng nấp sau khung cửa nhìn chúng tôi lạ lẫm. Thị trấn từ trên cao thì đẹp thế nhưng ở dưới thì chán phèo, hầu như chẳng có gì cuốn hút, miền núi mà chẳng cây cối vườn tược gì, mấy công trình công cộng như nhà ủy ban, trạm xá thì cũng đang sửa chữa hoặc xây dựng lại, được 1 trường học 3 tầng mới xây quét vôi vàng chóe nổi bật, đường xá thì lầy lội, nhìn chung là chán. Quanh chợ có 1 vài quán ăn, chúng tôi chọn cái quán hoành tránh nhất và gọi được vài món. Chẳng có rau cỏ gì cả, nhớ không nhầm thì hình như là thịt lợn rang, và gà luộc gì đó, có canh măng là chắc chắn, ăn mà nhai như nhai đất. Xong bữa trưa, chúng tôi gấp rút tìm cái cầu Cốc Pài, hóa ra nó cách trung tâm thị trấn khoảng 4-5km gì đó, đó chính là cửa ngõ vào thủ phủ Xín Mần. Cốc Pài sau này tôi đọc đâu đó có nghĩa là “Yêu”, nghe cũng lãng mạng phết nhỉ. Chiếc cầu treo cũ nhỏ xinh, chỉ đủ để 1 làn ô tô chạy bắc qua thượng lưu sông Chảy mà đoạn này từ Việt Nam đổ sang Trung Quốc. Cầu treo cách mặt nước khá cao nên loay hoay 1 hồi tôi mới trèo xuống lấy được mẫu nước. Nước sông nhìn kỹ hóa ra toàn hòa lẫn bùn, phía thượng lưu chắc có khai khoáng gì đó xả thải vào sông.

Lấy mẫu xong, hỏi han dân tình dăm câu ba điều, chụp vài kiểu ảnh làm bằng chứng rằng đã đến nơi đây thì trời hết nắng. Anh xe ôm giục lên xe về kẻo trời tối, chúng tôi thu dọn đồ ghề và quay trở lại.

Chặng về leo lên núi vì thế không còn cảm giác ngỡ ngàng nữa. Bò lên đến đỉnh núi thì trời tối, lại mưa phùn nữa, rồi sương giăng kín rất khó nhìn thấy đường. Kêu trời, lúc này trong đầu tôi tự hỏi sao mình ngu thế, tại sao không về sớm hơn mà cứ loay hoay chụp mấy cái ảnh đểu, phỏng vấn mấy anh chị dân tộc vài câu hỏi vớ vẩn để đến nỗi bây giờ trời tối đen bị lọt thỏm giữa rừng núi nguy hiểm thế này.

Mình và thằng bạn ới nhau bảo 2 anh dừng lại bàn xem có nên đi tìm cái nhà dân bản nào đó ngủ nhờ hay không. Nhưng 2 anh xe ôm bảo, thôi cố lên sắp về đến nhà rồi, các anh đi được mà. Tin tưởng đồng bào dân tộc, mình và thằng bạn lại leo lên con minkhơ phó thác sinh mệnh cho các anh vậy.

Trời đất, càng đi thì càng nhục, mấy lần mình suýt ngã văng ra đường.

Xe mình vượt lên đi 1 đoạn khá xa thì chẳng thấy tăm hơi xe thằng bạn đâu cả, thế là mình bảo anh kia dừng lại đợi. Càng đợi càng mất hút, 5 phút, 10 phút rồi 15, 20 phút, rừng trong đêm thật âm u, lúc đó mình còn có suy nghĩ rất dẩm dớ là chẳng may có hổ báo gì đó ra tấn công thì không biết thế nào nhỉ. Người thì rét run vì lạnh, trời tối om tĩnh mịch, thỉnh thoảng nghe thấy tiếng côn trùng kêu. Rất lo lắng cho thằng bạn không hiểu có chuyện gì không. Di động thì chẳng có sóng, mà lại sắp hết pin, chán quá.

Mình bảo anh xe ôm quay xe lại xem thế nào, hai anh em vòng lại, đi khá xa tầm 2-3 km mà chẳng thấy gì cả, mình quá lo cho thằng bạn, không khéo nó mà bị ngã ở đâu thì toi mình, nếu ngã xuống vực, trời tối thế này thì làm sao mà tìm được chứ, can cái tội tiết kiệm để thằng bạn phải khổ sở, vừa đi vừa gọi mà chẳng thấy hồi âm gì…

May quá, đi thêm gần 1 km nữa thì thấy thằng bạn và anh lái xe ôm của nó. Hóa ra xe bị thủng lốp và anh kia đang hì hục vá xe. Cũng may đồ nghề vá xe của các anh ý có đủ lên sau 1 hồi chật vật, chúng tôi lại lên đường. Lần này, tôi và thằng bạn bảo các anh đi gần nhau để còn dễ bề xử lý. Đi thêm chừng 15 km nữa thì đến lượt xe tôi bị thủng lốp. Thế là phải dừng lại để vá. Trời lúc này mưa nặng hạt hơn, điện thoại thì hết pin, tôi phải cởi cái áo khoác ngoài để che mưa cho anh Nùng vá xe trong bóng tối. Vá đi vá lại mãi mà không được, vì có đến 2 chỗ thủng.

Mình thì cứ cuống lên, vừa run vì lạnh vừa lo sợ chẳng biết đến bao giờ mới mò về đến Bắc Hà, các anh dân tộc thì chẳng nói năng gì, có hỏi thì đều bảo sắp về đến nhà rồi. Từ từ thì cuối cùng vá cái săm cũng xong. Lại lên đường và nhúc nhích đi, lần này các anh đi chậm và cẩn thận hơn.

Cuối cùng thì cũng ra đến đoạn đường dễ đi, thỉnh thoảng bên đường có nóc nhà le lói ánh lửa. Nhìn thấy nhà là tôi nghĩ thế là thoát nạn rồi, nếu bị làm sao thì mò vào nhà người ta nhờ vả là xong.

Mãi rồi cũng lê về đến Bắc Hà. Thở phào nhẹ nhõm, cảm ơn 2 anh xe ôm minkhơ xong, chưa cần các anh hỏi xin thêm, tôi rút tiền ra trả mỗi anh 200.000 – gấp đôi giá ban đầu. Từ biệt các anh, bọn tôi chui vào nhà nghỉ. Đã muộn rồi (chắc lúc đó khoảng hơn 10h tối), bà chủ nhà vẫn phần cơm chúng tôi (sao chủ nhà tốt thế chứ), chúng tôi đói muốn chết, 2 thằng làm vội mấy bát cơm rồi chuồn lên phòng ngủ. Vào đến phòng, có lẽ chỉ kịp cởi bộ quần áo ướt ra là 2 thằng leo lên giường ngủ vùi, chẳng thằng nào thèm nói câu gì cả.

Sáng hôm sau, 2 thằng đua nhau kể lể về cảm nhận trên đường đi hôm qua. Thằng bạn tôi bảo, nó đã đi nhiều chuyến nguy hiểm, nhưng chưa bao giờ có cái cảm giác lo và sợ như hôm qua. Còn tôi thì bảo nó, đợt này đi về thì chẳng có chuyến đi nào đáng gọi là nguy hiểm nữa, nếu ai cho đi lần nữa thì mình cũng cạch luôn.

Hê hê, thế mà giờ đây khi ôn lại những kỷ niệm này, tôi lại ước gì mình sẽ lại được trải qua chuyến đi đáng nhớ như vậy 1 lần nữa.





Chốt lại kỷ niệm ấn tượng của tôi như sau:

- Trên Bắc Hà, rượu thì quá ngon và món nhậu chỉ duy nhất là thịt ngựa.

- Đổ đèo trên đường núi ở Xín Mần bằng minkhơ cũng là 1 thú vui sướng nhất trần gian (tất nhiên là phải có tay lái lụa).

- Cảm giác lo lắng khi ở giữa rừng biên giới trong đêm mưa giá rét sẽ khó có được đối với 1 công chức giữa lòng Hà Nội.

- Núi và thung lũng Xín Mần - Hà Giang quá đẹp (cứ nhìn ảnh mà mọi người chụp ở Xín Mần thì khắc biết)



.....................



Để ở đây đã lúc nào rảnh post tiếp
 
Top