• Đăng ký nhanh... Đăng nhập bằng Facebook

Nepal ngày thu xanh

Ngày vui ở Thành phố nghệ thuật Patan – 3

(cont.)



Đi tiếp trong quảng trường, cơ man nào là những đền đài và tượng. Nào là tượng đức vua Yoganarendra Malla đứng trước ngôi đền Narsingha, tượng thần Garuda quỳ gối trước ngôi đền Krishna, các ngôi đền cứ nối tiếp nhau, soi bóng nhau, che chở nhau trong một quảng trường Durbar vui tưng bừng trong ngày lễ đầu năm mới.



PA290068.jpg




PA290067.jpg


Tượng đức vua Yoganarendra trước ngôi đền Narsingha



PA290072.jpg


Tượng thần Garuda trước ngôi đền Krishna



Đến Patan vào một sáng sớm mùa thu ngày lễ. Đường New Road ở Kathmandu lúc nào cũng chen chúc người mà sáng nay vắng thênh thang, thế nhưng đến Patan thì đã thấy đông đen du khách và đặc biệt là du khách người địa phương cũng rất nhiều. Có 1 vài ngôi đền cho phép người ngoại đạo vào, thế là bpk cũng rón rén lần mò vào xem người dân thành kính khấn vái. Bpk cũng khấn vái, cũng cầu mong bình yên cho gia đình và cầu cho mình chân cứng đá mềm trên bước đường lang thang và cả đường đời nhiều chông gai (hix, super-sến)!!!





PA290205.jpg


Đền thờ thần Krishna với kiến trúc bát giác rất lạ



Sau khi quanh quẩn ở khu trung tâm, bpk quyết định là sẽ đi thẳng theo hướng Bắc, với mong muốn là đi tìm và viếng một trong những stupa của đức vua Ashoka, rồi sẽ quay lại viếng các đền đài còn lại trong Patan Durbar Square sau. Và cung đường ít khách du lịch này đã đưa bpk đến 1 ngoại ô Patan thật thú vị.



(tbc.)
 
Ngày vui ở Thành phố nghệ thuật Patan – 4 (cont.)



Từ cổng chính của Burbar Square, nơi mà có ngôi đền Krishna bên tay trái, bạn cứ đi thẳng theo 1 con đường, cứ đi mãi, bạn sẽ thấy 1 ngã 3. Rẽ phải đi 1 đoạn, bạn sẽ thấy 1 stupa trắng toát nằm bên tay trái. Đó chính là Northen Stupa của quốc vương Ấn độ Ashoka từ những năm 250 BC. Chẳng biết sao, nhưng trong thấy mới quá hay cái stupa cũ đã được xây lại. Chẳng biết nữa và cũng chẳng biết hỏi ai vì stupa được rào kín mít xung quanh nên chẳng thấy bạn guide hay bạn “tóc vàng hoe” nào lảng vảng chung quanh để mà hỏi. Bpk cũng đi lòng vòng 2 – 3 vòng ngắm nghía, thấy cũng giống giống bảo tháp ở Bodhnath (!?) nên đi tiếp. Đang bị con đường làng phía trước và cụm đền đài xa xa cuốn hút.



PA290093.jpg




PA290091.jpg


Bảo tháp của quốc vương Ashoka



Bpk đi tiếp, men theo con đường làng và định hướng theo 1 cụm các ngôi đền nhô lên từ phía bên trái từ phía xa xa. Lại đến 1 ngã 3 nữa, ngay ngã 3 này có 1 ngôi đền nhỏ nép dưới bóng cây cổ thụ um tùm, rẽ phải tiếp, đi theo con đường bờ ruộng, và bpk lọt vào 1 cụm các đền đài nằm chung trong 1 xóm nhỏ. Nổi bật giữa các đền đài đó là 1 ngôi đền rất đẹp bằng đá nằm trong 1 khoảng sân vuông vắn, bao quanh bởi các dãy nhà giống như là tường thành và rất vắng vẻ. Chung quanh ngôi đền này có rất nhiều những tượng đá của các vị thần, các linh vật… và chỉ có 1 mình bpk trong sân, chẳng có cả 1 người dân địa phương. Ở 1 góc nhỏ của khoảng sân, có 1 lối đi nhỏ dẫn sang 1 khoảng sân khác, với đền đài, nhỏ hơn, ở giữa, rồi lại có 1 lối đi nhỏ nữa sang 1 khoảng sân khác… cứ lần mò như vậy, bpk lọt ra ngoài bờ sông!!!



PA290097.jpg




PA290095.jpg


Ngôi đền nằm lọt trong khoảng sân, là “kim chỉ nam” đã khiến bpk lò dò đến đây.





PA290098.jpg


Các ngôi đền nhỏ khác trong các vuông sân nhỏ khác



PA290105.jpg


Rồi lọt ra bờ sông với những ngôi đền Hindu nhưng có mái “củ hành”




PA290114.jpg


Đây, dòng sông thiêng Bagmati, khúc này thấy bé tí và đen thui





(tbc.)
 
Ngày vui ở Thành phố nghệ thuật Patan – 5 Thôi thì nhân tiện “mời” cả nhà chai bia truyền thống của Nepal, 1 trong những “bạn đồng hành” thắm thiết của bpk trong những ngày Nepal.



PB020276.jpg




PB020277.jpg


“Nepal’s Original Beer. Since 1972” luôn đó!




.................................................. .................................................. ....

(cont.)





PA290108.jpg


Các em bé Nepal ở ngoại ô Patan, vui vẻ đứng sắp hàng cho bpk chụp hình dù trời đang rất nắng



Lúc đầu bpk cũng chẳng biết đây là sông gì vì khu vực bpk đang lang thang này hoàn toàn không có trên bản đồ của LP. Có điều, nơi này có nhiều đền đài hoang phế chạy dọc bờ sông nên bpk cũng tò mò xuôi theo sông ngắm nghía. Bên bờ sông cũng có nhiều bệ đá, thấy là lạ nhưng bpk cũng chẳng biết để làm gì. Chỉ cảm thấy thích thích khi lạc vào nơi xa lạ này thôi… Đi được 1 đoạn, gặp các em bé và các thanh niên trong xóm. Chụp vài tấm hình cho các bé xong, bpk xuôi tiếp bờ sông thì gặp lại các thanh niên lúc nãy. Các bạn kêu bpk đứng lại, chỉ cho bpk các linga trong các ngôi đền nhỏ để giới thiệu và chụp hình, sau đó đứng nói chuyện. Trong nhóm có 1 bạn lái taxi ở Kathmandu nên nói tiếng Anh tốt. Tám một hồi thấy có mấy tên thanh niên khác tới thì thà thì thụt gì đó, rồi nhìn bpk. Bpk thấy có vẻ không tiện nên đứng lên thì bạn tài xế nhiệt tình kéo tay bpk và nói “Marijuana đó, chơi cho vui!”. Má ơi, vụ gì chứ cần sa là em chào thua, nhất là em đang đi lang thang 1 mình nữa! Bpk từ chối và chào các bạn đó để lên đường. Sau này, bpk còn được mời dùng thử thứ đó vài lần nữa, nhưng “em chã”!



PA290112.jpg


Các ghat, mà lúc đầu chẳng biết



Cũng nhờ nói chuyện với các thanh niên đó mới biết đây là dòng sông thiêng Bagmati. Nhưng sao sông ở đây bé tẹo và đen thui, giống kênh Nhiêu Lộc quá nên bpk không ấn tượng gì hết. Kế tiếp, các thanh niên đó chỉ cho bpk các bệ đá lúc nãy bpk thấy nằm dọc bờ sông chính là các ghat, nơi để hỏa thiêu người chết. Lúc đó, chỉ thấy các ghat* trống trơn, sông đen thui nên bpk nghĩ rằng có lẽ tục lệ hỏa thiêu giờ đã bãi bỏ ở Nepal giống như tục lệ điểu táng ở Tibet… ai ngờ, sau này đến Pashupatinath mới được mở mắt.



PA290116.jpg


Hình ảnh các em bé quê chơi đùa với các vỏ xe này, bpk gặp từ Tây Bắc, đến Lào,… giờ ở Nepal



PA290117.jpg


Còn bé này giỏi ghê, cái bình nước to hơn bé rồi




PA290119.jpg


Ánh mắt Nepal yêu kiều bên khung của sổ! (Em còn bé lắm chú ơi....!!!!)



Kể lể dài dòng đoạn trên chỉ là để chia sẻ những feeling rất feeling khi lang thang một mình. Thực sự, nếu ở nơi khác, đất nước khác… chưa chắc bpk đã dám đi lang thang 1 mình ở những nơi vắng vẻ như trên, vì đâu biết trước được chuyện gì sẽ xảy đến. Nhưng, cũng chưa biết được là “ở nơi khác”… nào đó, có chắc là mình sẽ không đi hay không? Ôi "hứa thật nhiều mà thất hứa cũng thật nhiều...!!!"



* Ghat là nơi hỏa thiêu người chết theo phong tục của Nepal. Chú thích cho bạn nào chưa xem đoạn viết về Pashpatinath.



(tbc.)
 
Ngày vui ở Thành phố nghệ thuật Patan – 6 (cont.)



Chia tay dòng Bagmati, lại lang thang vào lại quảng trường Durbar của Patan. Nắng đã lên cao cao nên khách cũng vãn bớt. Bpk đi lang thang chui vào các con hẻm, ngõ ngách, các bể nước công cộng, đùa tí tởn với các em bé, nhưng kiên quyết không cho tiền bọn trẻ con dù chỉ 1 Rp như chúng nói, không thể làm hư con nít bằng cách cho tiền chúng. Xui cho chúng là hôm nay bpk đã cho hết kẹo rồi mà chưa mua lại kịp. Bây giờ, bpk mới lon ton vào Chùa Vàng (Golden Temple) mà lúc sáng thấy đông quá nên không vào. Mà bây giờ cũng vẫn còn đông nữa!





PA290128.jpg


Trước cổng Chùa Vàng



PA290131.jpg


Thông báo tăng giá vé, chụp hình vì có thông tin cần lưu lại



PA290133.jpg




PA290134.jpg


Chụp lại hình các Phật sống Kumari lưu trong Chùa Vàng




Đây là ngôi chùa Phật giáo duy nhất trong vùng. Truyền thuyết cho rằng ngôi chùa có từ TK XI nhưng một số tài liệu lại nói rằng ngôi chùa có từ đầu TK XV, năm 1409. Bpk chẳng biết, chỉ thấy nó cổ xưa, và đẹp. Ngôi chùa này, thật kỳ lạ, có người chủ xướng chính trong các buổi cầu nguyện là 1 bé trai dưới 12 tuổi, bé sẽ làm nhiệm vụ này trong vòng 30 ngày và sau đó sẽ chuyển giao cho 1 cậu bé dưới 12 tuổi khác. Trong khuôn viên có 2 ngôi chùa, 1 ngôi chùa lớn có tường dát đồng và mái cũng bằng đồng. Ngôi chùa ngỏ hơn thì có mái bằng vàng (!) và bên trong đó có 1 stupa nhỏ, nghe đồn là chỉ chứa kinh Phật chứ không có xá lợi. Tiếc là khuôn viên chùa nhỏ quá nên không chụp được toàn cảnh 2 ngôi chùa (bên trong thì no-photo, please!). Biết được rằng, trong sân chùa, cũng giống chùa Việt là có các chú rùa, được tín đồ đem đến phóng sinh, giờ sống vô tư thanh thản trong tiếng kinh kệ. Hôm bpk đến, nắng quá nên các chú trốn đâu mất tiêu làm bpk tìm mỏi mắt mới thấy.



PA290132.jpg


Tháp nhỏ nhìn qua khung cửa đó nghe nói mái làm bằng vàng (bpk đứng chờ mãi mà chẳng lúc nào vắng người!)



PA290139.jpg




PA290140.jpg


Các góc hình “chộp” được ở Chùa Vàng




(tbc.)
 
Ngày vui ở Thành phố nghệ thuật Patan – 7 (cont.)



Loanh quanh, bpk còn ghé thăm ngôi đền Kumbeshwar, 1 trong số 3 ngôi đền có 5 mái ở thung lũng Kathmandu, xây đâu từ năm 1392, ngôi đền Uma Maheshwar, rồi đền Hari Shankar,… nói chung là nếu kể hết các đền đài ở đây chắc cả cuốn sách cũng không kịp. Thôi đành cỡi voi xem hoa vậy!



PA290122.jpg




PA290126.jpg


Đền 5 mái Kumbeshwar



PA290144.jpg


Bữa trưa cực kỳ khiêm tốn ở Patan. Hình như thấy thiếu thiếu cái gì đó!




Lang thang mãi trong đền đài thành quách, hang cùng ngõ hẻm, hàng quán, chợ búa… rồi lại thành quách đền đài… bpk cứ đi tới đi lui đi lùi đi tới… rồi lại leo lên tụt xuống, tụt xuống leo lên các đền đài, roof-top café ngồi, nhìn ngày đi qua phố. Rồi chiều cũng về trên Patan, đền đài xưa cũ giờ càng lung linh hơn trong bóng chiều vàng huyền hoặc. Những ngôi đền gỗ giờ đỏ rực, những ngôi đền xám giờ ửng hồng, trời chiều giờ lại chuyển mây vần vũ… Lại một hoàng hôn tuyệt vời nữa trên đất Nepal “ngang qua đời tôi”!



PA290204.jpg




PA290206.jpg


Chiều về trên Durbar Square



PA290214.jpg


…muộn lắm rồi



PA290220.jpg


Và đêm đã về trên Patan




Đêm đã chập choạng trên phố phường, bpk nhảy lên safa tempos quay về Kathmandu. Chia tay Thành phố nghệ thuật, về lại Thamel nhộn nhịp, trở về cuộc sống phố thị ồn ào náo nhiệt… lòng vẫn nao nao khi nhớ về vạt nắng cuối ngày trôi chầm chậm trên đền đài xưa cũ... Nắng còn luyến tiếc chia tay Patan dù biết rồi mai sẽ gặp, còn mình…
 
Panauti – Yêu kiều đền xưa soi bóng bên sông - 1

Ngoài các di sản văn hóa Unesco, có rất nhiều điểm du lịch khác ở thung lũng Kathmandu, nhiều đến mức ngạc nhiên, được giới thiệu trong các sách du lịch. Việc chọn lựa nơi nào để đi cũng đã là 1 việc khó khăn. Nhưng ưu điểm của việc đi lang thang 1 mình là bạn có thể thay đổi kế hoạch bất cứ lúc nào bạn muốn mà bpk thì thường xuyên làm như vậy trong những hành trình của mình… Hành trình đến Panauti này ban đầu được dự định cho việc thăm viếng Banepa, nhưng kế hoạch đã được thay đổi, khi bpk vừa ghé Banepa.



Luôn bị cuốn hút bởi những gì có “dính líu” đến Tibet, đọc thấy Banepa đã từng là 1 điểm dừng quan trọng trên con đường giao thương giữa Nepal và Tibet ngày xưa là đã bpk tò mò muốn đến. Không chỉ thế, nơi này cũng đã từng thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Hoa thời Minh triều. Do vậy, bpk đã quyết định đến thăm Banepa. Chỉ cách Kathmandu 29km, nằm ngay trên quốc lộ Arniko nên các tuyến xe đi Banapa từ công viên Ratna Park chạy cũng thường xuyên.



Nhưng hỡi ôi, khi đến đây, bpk buồn vô hạn vì nơi này đã thành 1 phố Tàu mới. Nhà phố, đường nhựa thênh thang, đặc biệt là hàng hóa Trung Quốc tràn ngập khắp nơi. Té ra, vì là trung điểm đi các huyện lân cận như Dulikhel (5km), Nala (3km), Panauti (6km)…. Nên đây là nơi tập trung hàng hóa để chuyển về các huyện khác. Đã vậy, trời trưa, nắng nóng và bụi nhiều làm bpk nản luôn, chẳng muốn đi viếng ngôi đền Chandeswari nổi tiếng chỉ cách đó 1km. Thở sâu vài hơi, bpk kiếm 1 quán nhỏ, chui vào, rút sách ra đọc, chuẩn bị 1 cung đường mới. Đọc tới đọc lui, quyết định sẽ đi Panauti, phố nhỏ với mệnh danh là “temple town”. Đang buồn bã với “phố Tàu” mà nghe nói có phố của đền đài thì khác gì “buồn ngủ gặp chiếu manh”. Đóng sách lại ngồi quan sát bà con mua mua bán bán 1 lúc, hỏi thăm đường và cuốc bộ đến nơi đón xe đi Panauti của bà con Nepal.



Bạn nào đi Nepal, hoặc 1 số nước Đông Nam Á nghèo khác đều thấy việc bà con ngồi trên mui xe là chuyện bình thường. Thành thật khai báo (để được cách mạng khoan hồng!?) là tuy đi không ít nhưng bpk chưa bao giờ thử cảm giác đó, cho đến hôm nay. Xe từ Kathmandu đi Panauti rất ít chuyến, phải chờ rất lâu, vì Panauti chỉ là 1 phố nhỏ hầu như ở cuối cung đường. Do vậy khi thấy chiếc xe lơn tơn xuất hiện trên đường, bà con ai nấy đều vui mừng. Nhưng than ôi, xe không còn chỗ nào để đứng, kể cả chỗ bấu víu ở 2 bên thành xe nữa. Thế là bà con lục tục leo lên mui xe. Suy nghĩ nhanh chóng, mình quyết định cũng leo thôi. Thứ nhất, có muốn đợi nữa không, đợi đến bao lâu nữa; thứ hai, nếu đợi được, thì có chắc là chiếc xe sắp tới nó có vắng không; thứ ba, cũng thanh niên trai tráng như họ (?!), cớ sao mình không leo. Thế thì cũng leo tót lên mui xe, thưởng thức cái nắng, cái gió, cái phiêu lưu (tý xíu) khó có thể làm được khi ở quê nhà.



PB010154.jpg


“Nó” cũng ngồi trên đó như vậy đó



PB060907.jpg


Chỉ có ngồi trên mui xe mới “tác nghiệp” được hình này – của chiếc xe lẽo đẽo theo sau.



PB060917.jpg


Những cánh đồng lúa chín vàng còn sót lại ở 2 bên đường đến Panauti




Ngồi trên mui xe hơi khó “tác nghiệp” dù cảnh 2 bên đường rất đẹp. Khó là phải liên tục bám vào 1 cái gì đó để cho mình khỏi lăn quay xuống đất (!?) vì xe ở Nepal, đường ở Nepal… 1 trong những nước nghèo nhất thế giới thì bạn biết là khi chạy nó sẽ lắc lư cỡ nào, nhất là khi bạn đang ở trên mui một chiếc xe cũ kỹ già nua cọc cạnh…. Sau 1 hồi, rút kinh nghiệm, thò được 2 cái chân ra, móc quặp vào cái thanh sắt trên mui để giữ thăng bằng, tranh thủ luồn lách khi xe lắc lư để chen cái lưng dựa được vào cái thùng hàng. Thế là tạm ổn, những lúc xe chạy chậm hoặc dừng đón trả khách hay gặp khúc đường tốt cũng tranh thủ chụp được vài tấm nhưng về xem lại thì ôi thôi, cái thì vướng dây điện, cái thì nhòe, cái thì không biết là chụp cái gì… Chỉ biết cái được nhất, nhưng không chụp lại được, là cảm giác khi ngồi trên mui xe, chạy trong nắng gió mùa thu Nepal, trời xanh mây trắng, miên man những cánh đồng lúa chín vàng ruộm 2 bên đường, những triền núi xanh xa xa….



PB060958.jpg




PB060957.jpg


Và đây là những hình ảnh giới thiệu sơ lược về Temple Town Panauti nhé!



PB060981.jpg




PB060979.jpg


…đường phố gạch đỏ cũ xưa yên bình trong nắng chiều và đền đài, tượng… khắp nơi nơi





(tbc.)
 
Panauti – Yêu kiều đền xưa soi bóng bên sông - 2 (cont.)



Chạy qua những cánh đồng vẫn đang trong mùa gặt, lúa chín vàng, xe đến Panauti lúc hơn 2pm, trời còn nắng hực nhưng 2 dòng sông bao quanh làng và những hàng cây làm không khí dịu mát hơn, nhất là khi mon men xuống bờ sông.



PB060941.jpg


Sông Rosi chạy ven phố



PB060963.jpg


Sông Pungamati với những ngôi đền yêu kiều tô điểm làm phố xưa thêm duyên dáng




PB060942.jpg


Nhìn đâu cũng thấy đền đài, do vậy Panauti còn có tên là “Temple town”.



PB060939.jpg


Ở Panauti, người dân sống chung rất hồn nhiên, chiều về mọi người đều ra trước nhà, vừa làm, vừa hong nắng, vừa “tám”…



PB060984.jpg


Nhưng vẫn có người cô đơn… em ngồi bên song cửa, ngóng tin chàng phương xa… khà khà khà!!!







Chỉ cách Banepa 7km nhưng Panauti khác hẳn, như 1 trời 1 vực. Làng cổ, vẫn nếp sống cộng đồng xưa, mọi thứ đều chung nhau làm và cùng làm giữa phố. 2 con sông và "con sông vô hình" thứ 3 che chở làng, ôm ấp những đền đài nên thơ chen cùng liễu lả lơi rủ bóng đôi bờ.



PB060978.jpg




PB060977.jpg


Mai anh đào dịu dàng khoe sắc bên sông



Panauti nằm ở đoạn giao nhau giữa 2 dòng Rosi Khola và Pungamati Khola nhưng người dân địa phương cho rằng nơi đây còn có sự hợp lưu của dòng sông vô hình thứ 3, Padmabati. Truyền thuyết kể rằng dòng sông vô hình này chính là do nữ thần Parvati, vợ của thần Shiva, đã thương tình và biến hóa nàng Indrayani trở thành. Mà nàng Indrayani thì chẳng có tội tình gì cả, tội là do chồng nàng, thần Indra đi lăng nhăng với vợ của 1 nhà hiền triết khác… để cuối cùng cả 2 bị nguyền rủa… Nói chung là từ xưa đến giờ, chồng làm lỗi là vợ phải chịu chung (!?). Không biết có phải tại chăm sóc chồng không tốt nên chồng mới đi lăng nhăng. Các bạn nữ học hỏi cách xử thế của người Nepal xưa nhé (hix)!!!



Một truyền thuyết khác cho rằng ngôi làng được xây dựng trên 1 hòn đá rất to lớn. Đó cũng là lý do ngôi làng luôn ổn định không bị ảnh hưởng bởi những trận động đất thường xảy ra ở Nepal trước kia.



(tbc.)
 
Panauti – Yêu kiều đền xưa soi bóng bên sông - 3 (cont.)





Ngày trước, Panauti có thời cũng đã nằm trên trục giao thương của Nepal và có cả 1 cung điện hoàng gia ở đây. Nhưng ngày nay, may mắn thay (!), khi trục giao thương chuyển đến con lộ Arniko chỉ chạy qua Banepa nên nơi đây đã giữ lại nguyên vẻ đẹp của phố cổ. Pháp cũng đã tài trợ chính quyền địa phương phục chế lại những ngôi đền trong phố, được cho là những ngôi đền cổ xưa nhất Nepal.



Tiếc là hôm bpk đến, ngôi đền chính của phố, Indreshwar Mahadev Temple, đóng cửa để trùng tu nên bpk chỉ đứng nhìn từ xa. Nghe nói, ngôi đền này xây dựng từ năm 1294 và xây lại 1 lần vào thế kỷ XV. Nếu nói về đền đài, ngôi đền này được xem là cổ nhất Nepal. Ở Kathmandu Durbar Square còn có 1 ngôi đền cổ hơn, Kashthamandap, nhưng đây trước là nhà nghỉ của khách hành hương, sau đó mới chuyển thành ngôi đền. Tuy không vào được bên trong nhưng nhìn từ xa, cũng thấy được vẻ bề thế của ngôi đền, qua những mái to lớn hùng dũng vươn trên trời xanh của ngôi đền.



PB060987.jpg


Ngôi đền Indreshwar Mahadev sừng sững trong nắng gió



PB060943.jpg


…. Nhưng hôm nay đóng cửa mất tiêu rồi.




Không viếng được đền này, ta đi đền khác. Lang thang vào phố, nhưng sao giống làng quê hơn, bpk lần mò trong các con hẻm, cứ đi theo hướng các đỉnh cao cao của các ngôi đên, nơi nào gặp ngõ cụt lại quay ra. Đi một hồi lại ra đến cụm các ngôi đền thờ thần Krishna, Krishna Narayan Temple nằm bên bờ sông. Sông cũng đẹp, mà đền cũng đẹp. Nghe nói những phù điêu gỗ của cụm đền này có cùng niên đại với đền Indreshwar Mahadev. Bờ sông ở đây, bằng đá, có chạm khắc cũng rất thú vị. Chỉ tiếc là những cơn lũ mạnh vào cuối những năm 80 đã tàn phá bờ sông này, cũng như cuốn trôi các ghat bên bờ sông.



PB060944.jpg


…bên kia cánh cổng là cụm đền đài Krishna Narayan



PB060945.jpg


Đền chính trong cụm đền đài Krishna Narayan





PB060964.jpg


Sang sông nhìn lại thì lại thấy cụm đền đài Krishna Narayan đẹp hơn rất nhiều với liễu rũ lả lơi




Bên kia sông còn có ngôi đền thờ nữ thần Brahmayani, được xây dựng từ TK XVII đứng soi bóng bên dòng Pungamati đẹp nên thơ trong cảnh trưa yên bình và càng mơ màng hơn khi chiều buông lơi lả trên sông. Nữ thần Brahmayani được xem là vị thần đứng đầu các vị thần bảo trợ cho phố xưa này và hình ảnh của người sẽ được trưng bày, tô vẽ khắp làng hàng năm khi lễ hội, mà không phải thời điểm này, đâu vào khoảng tháng 9 (!).





PB060955.jpg


Yêu kiều đền Brahmayani soi bóng ven sông





PB060970.jpg


Điêu khắc bên bờ sông – có giống Kbal Spean, dòng sông ngàn linga ở Siemriep?





Hết đền đài, đến phố phường. Panauti không chỉ đẹp nhờ những ngôi đền kể trên mà còn rất nhiều ngôi đền vô danh (đối với người không biết tiếng Nepal (!)) khác trong phố. Những ngôi đền cổ cứ đan xen với những ngôi nhà cũng xưa cũ, những tượng thờ, phù điêu… trên phố, trên những con đường lát gạch chạy miên man giữa 2 con sông. 2 con sông tuy mùa này nước cạn nhưng cũng tô điểm thêm nét duyên duyên cho phố. Có những khúc sông trồng dày mai anh đào, lại nở rộ ngay mùa này làm sông thêm mơ màng. Có những bến sông trồng cải, cũng đang nở hoa vàng rực, có thêm chú sóc ngẩn ngơ nhìn khách lạ làm khách cứ tưởng mình đi lạc đâu đây. Bên những đền đài cũ, những chú chim rất dạn dĩ với người, có chú chim gì đó, cổ nâu, thân nửa đỏ, nửa đen, mào lại trắng cứ tròn xoe mắt nhìn khách lạ rồi cứ tung tăng nhảy nhót vô cùng đáng yêu. Phố nằm giữa một sườn đồi xanh ngắt và 2 con sông. Qua bờ sông bên này là những cánh đồng rau xanh mướt mát khép nép bên những cánh đồng lúa ngày mùa vàng rực, chạy tít tắp đến nơi chân trời. Đồng lúa đã vàng, lại như được đổ thêm vàng trong cái nắng hoàng hôn cũng vàng rực rỡ.





(tbc.)
 
Panauti – Yêu kiều đền xưa soi bóng bên sông - 4 (cont.)





PB060956.jpg


Chiều về trên sông



Chiều trên phố cổ, mình còn gặp những em bé dễ thương vừa đi học về, luôn vui vẻ với khách lạ và sẵn lòng đứng duyên dáng làm mẫu. Đó đây những người dân làng dễ mến hiền hòa chung tay làm lụng giúp đỡ nhau trên phố, những cụ già hong nắng bên sân… Trời chiều, chim về ríu rít trên những cây mai anh đào, dưới sông, những đàn vịt tí tởn chổng mông lặn hụp giữa sông rồi tám lên "cạp cạp" với nhau quá chừng trời….



PB060974.jpg


Em gái Nepal xinh tươi ngoan ngoãn vừa tan trường



PB060949.jpg


Chim lạ hồn nhiên trong làng




Ở phố cổ, những con đường gạch đỏ chạy giữa những ngôi nhà tường gạch đỏ hoặc vôi trắng với những điêu khắc… rực lên trong nắng chiều xiên xiên lọt vào, rất đẹp. Chỉ vài bước ra ngoài phố, hoàng hôn bên cánh đồng vẫn còn vàng thơm lúa chín, bên dòng sông róc rách trôi bên dưới, bên những cây mai anh đào hồng rực lên trong nắng chiều, trên cao chim về ríu rít... làm mình đứng lặng trên cầu, bên sông, bên đồng… không muốn rời.



PB060983.jpg


Chiều về, chim về chao chác trên những cành khô hoa đầy



PB060988.jpg


Chiều xanh trên cánh đồng xanh



PB060994.jpg


… và hoàng hôn vàng mơ màng ở Panauti.




Nhưng rồi cũng phải về, sau khi đã đi hết mấy vòng phố cổ, đã lê lết hết nơi này nơi khác và mọi người trong phố bắt đầu ngạc nhiên nhìn cái thằng người nãy giờ đi mấy vòng quanh thôn xóm, mắt cứ láo liên dòm ngó rồi tí ta tí toét cười đùa với đám con nít…!? Về thôi, vả lại cũng đến giờ chuyến xe cuối cùng rời Panauti rồi.



Chia tay phố đền đài Panauti, chia tay 1 vùng quê trong sáng, yên bình… trong một chiều thu vàng tuyệt đẹp, để lại nhảy lên xe về phố thị. Không được ngồi mui xe như lúc trưa nữa nhưng hình như hồn mình vẫn còn như đang ở trên mui! Say…!!!
 
Kathmandu - “ta chia tay, ta chia trời xé biển…”! - 1

Đoạn viết về Kathmandu này là đoạn khó nhất đối với bpk trong khi lóc cóc gõ để chia sẻ với các bạn về những tháng ngày lang thang Nepal. Chỉ trừ những khách du lịch hành hương 4 vùng đất Phật chỉ ghé thăm Lumbini từ Ấn Độ, hầu hết khách đi du lịch Nepal hay Tibet đều ghé thăm thành phố du lịch nổi tiếng này. Do vậy, múa rìu sao để qua được mắt của các “thợ” chuyên nghiệp quả là một điều không dễ. Thôi thì cứ bịt mắt lại, xem như múa kiếm vườn hoang, để chia sẻ cùng các bạn chưa đến đây vậy. Hy vọng, sau trận này, “vườn hoang” sẽ có đủ đá để xây thành “vườn Nhật Bản”!!! Lúc đó, lại mời bạn đến thăm chơi!!!



(Sub-topic này lấy khá nhiều tư liệu từ L.P.)​







Nhớ thuở tập tễnh mới đi làm, gặp 1 chị làm chức cũng to to, tiền cũng nhiều nhiều trong công ty, cũng rất thích đi du lịch. Cái thời xa xưa đó mà nghe chị kể phong phanh về kế hoạch đi Ấn Độ - Nepal của chị, bpk cứ mắt tròn mắt dẹt mồm há hốc lắng nghe rồi lảng ra xa xa. Lòng tự nhủ rằng, mơ ước cũng có chừng mực, mơ cao quá té đau, có khi lọi giò, gãy cẳng không biết chừng (!). Rồi thời gian qua, quá nhiều những thay đổi trong cuộc sống và cuộc đời làm đứa nhút nhát ngày xưa giờ cũng bon chen đua đòi lang thang đây đó với thiên hạ. Ngày ấy, nghe chị nói sẽ đi theo những người hành hương sang Ấn Độ, rồi Nepal… ra nhà sách mua sách đọc mới biết thủ đô của cái nước đó nó tên là Kathmandu. Biết là biết vậy thôi chứ chẳng nghĩ rằng có 1 ngày kia xa xôi lắm mình lại được sống ở đó những ngày lang thang nhàn nhã biếng lười… Sau những chuyến đi xa, trở về quê nhà cày cấy… trong những lúc cuồng chân cuồng cẳng mơ về nơi xa, mới thấy quý vô cùng những ngày mình bị “mắc kẹt” tại Kathmandu. Và trong nỗi nhớ quắt quay lòng luôn có niềm mong ước một mai được về lại nơi này…





Rất ngược đời, thành phố Kathmandu lại là nơi cuối cùng bpk chia sẻ cùng các bạn trước khi rời thung lũng Kathmandu đến những vùng đất khác của Nepal, dù đây là nơi bpk đặt chân đến đầu tiên và hầu như sống trọn hơn 2 tuần ở đó.





Lấy tên từ ngôi đền cổ Kasthamandap, theo sử sách, Kathmandu được cho là đã có lịch sử từ thế kỷ VII, trước Công Nguyên, 2 thế kỷ trước khi Đức Phật đản sinh tại Lumbini, dù trên giấy tờ chính thức thành phố này ra đời vào thế kỷ XII Công Nguyên, dưới thời vương triều Malla. Quá trình xây dựng và phát triển thành phố này cũng gắn liền với lịch sử phát triển của người dân Newari, cư dân bản địa nơi đây, cho dù dân tộc này chỉ chiếm 6% dân số Nepal. Những khu dân cư ngày xưa bắt đầu được xây dựng quanh trục đường giao thương với Tibet và quanh những nhà nghỉ cho người hành hương. Kasthamandap cũng đã từng là nhà nghỉ dành cho người hành hương trước khi chuyển thành ngôi đền cùng tên. Và từ những ngôi nhà cho thương nhân, khách hành hương đó, thành phố hình thành và phát triển.





PA260548-1.jpg




PA260539.jpg


Hình ảnh yên bình đặc trưng ở Kathmandu Durbar Square





Tên cũ là Kantipur, thành phố bắt đầu phát triển mạnh mẽ vào thời các vị vua Malla, từ TK XII đến năm 1768. Rất nhiều đền đài, tu viện, tượng đài,… đều được xây dựng trong thời gian này. Khởi đầu, Kathmandu là 1 thành phố độc lập trong thung lũng cùng tên, nhưng đến TK XIV, cả thung lũng đã được thống nhất bởi vua Malla của Bhaktapur, để rồi sau đó, vào thế kỷ XV, thung lũng lại được chia thành 3 vương quốc Malla nhỏ, độc lập với nhau, Kathmandu, Patan, Bhaktapur. Sự kình địch giữa 3 quốc gia nhỏ này đã dẫn đến những cuộc chiến tranh liên miên trong thung lũng làm chúng ngày càng yếu đi và sụp đổ hoàn toàn vào năm 1768 trước đoàn quân hùng mạnh của quốc vương Prithvi Narayan Shah, đến từ miền đất hào hùng Gorkha. Quốc vương Shah đã thống nhất các vương triều nhỏ lại với nhau thành Nepal ngày nay và đã chuyển thủ đô từ Gorkha về Kathmandu. Thủ đô chính thức của Nepal ra đời từ đây.





PA280018.jpg


Một hoàng hôn rực rỡ ở Kathmandu Durbar Square





Nói đến Kathmandu, đối với dân du lịch, cả bụi lẫn sang, là nói đến khu Thamel, trung tâm của khu phố cổ của Kathmandu. Từ Thamel, cứ xuôi nam, bạn sẽ đến 2 trung tâm văn hóa lịch sử của Nepal là quảng trường Durbar & quảng trường Hanuman – cũng chính là cung điện Hoàng gia cũ, trước khi đã dời đến cung điện mới hiện nay, nằm ở Đông Bắc khu Thamel. Trong 2 quảng trường trên, Durbar Square đã nằm trong danh sách di sản văn hóa thế giới, còn Hanuman Square thì chưa. Thăm viếng trong quảng trường Hanuman phải có giờ giấc và không được chụp hình nên các bạn sẽ ít nghe nói về quảng trường này.





Ngoài 2 quảng trường, cũng là điểm nhấn chính của khu Central Kathmandu, còn rất nhiều đền đài với các kiến trúc khác nhau, từ Phật giáo đến Hindu… nằm rải rác trong thành phố, chưa kể đến các di sản văn hóa thế giới cũng chỉ nằm cách Thamel từ 4km như chùa Khỉ Swayambhunath, 6km như Patan Durbar Square…





PA250481.jpg


Chùa Khỉ Swayambhunath nhìn từ roof-top café ở Kathmandu Durbar Square, cách khoảng 4km



PA260588-1.jpg


Phố lúc nào cũng đông, nhưng vui




(cont.)
 
Kathmandu - “ta chia tay ta chia trời xé biển…”! - 2 (cont.)





Ở Kathmandu, lúc nào cũng đông đúc, trừ những buổi sáng sớm ngày Tết năm mới. Ở đây mà làm quảng cáo chắc phải rất chú ý đến mảng ngoài trời vì thiên hạ hình như chỉ thích ở ngoài đường – giống mình quá! Phương tiện giao thông cá nhân chủ yếu là các xe gắn máy dạng 2 thì cao nhổng, có tay côn. Ở VN quen xài xe số, xe ga thấp thấp… thì qua đây rất khó đi – không chỉ vì xe đã cao mà vì đường quá đông, phải chen chúc nên phải đi rất chậm, mà điều khiển tay côn không quen đi chậm là rất dễ bị tắt máy. Chỉ có các xe gắn máy là đời mới – dù phần lớn từ người láng giềng Trung Quốc, còn xe hơi, xe bus đều cũ kỹ - một phần do bpk toàn đi xe địa phương, không đi xe công ty du lịch… nên rất ít thấy xe mới. Phương tiện công cộng có xe bus to 24 chỗ (nhưng nhét được 60 người, trong, ngoài và trên) và xe bus nhỏ 12 (nhưng nhét đến 20 chỗ). Những ngày ở Kathmandu và cả Nepal, bpk chỉ đi bằng 2 phương tiện này, sau đó là có xe jeep và xe ngựa ở Chitwan, ngoài ra, chủ yếu là “cặp giò” của mình. Phương tiện giao thông công cộng của Kathmandu tuy chật chội nhưng chưa thấy (và chưa bị!) móc túi cướp giật, nhất là chuyện chặt chém giá cả đối với khách lạ nước lạ cái (cũng có, nhưng rất ít và cũng vui vẻ trả lại tiền khi khách đòi chứ không như ở… (bạn tự điền vào nhé)). Do vậy, các bạn đi du lịch Kathmandu nên tìm hiểu bản đồ kỹ càng, để chọn cách đi lại bằng xe bus sẽ rất rẻ. Bpk đi trung bình khoảng 10-20Rp cho 1 tuyến khoảng 5 – 40km, 78Rp # 1$US. Người dân Nepal rất nhiệt tình với khách nên có gì không biết bạn cứ hỏi, họ sẽ tận tình hướng dẫn. Cứ chọn mấy anh chàng áo quần sáng láng mà hỏi vì họ đều nói tiếng Anh rất tốt.





Kathmandu còn là trung tâm ẩm thực với rất nhiều nhà hàng với thực đơn của các nền văn hóa ẩm thực trên thế giới – nhưng bpk chưa thấy NH Việt Nam, không biết có bạn nào thấy không. Mọi người đến Nepal thường chọn thực đơn Newari, bpk rất thích vì nó thường đi kèm 1 ly rakshi, 1 loại rượu địa phương, nho nhỏ (!?). Do đi một mình nên việc ăn uống với bpk cũng tương đối đơn giản, nhiều lúc cứ chen vào các quán địa phương và dùng Nhất Dương Chỉ để gọi món, khỏi thèm đọc thực đơn luôn.





PB010080.jpg


Món đơn giản, quen thuộc của bpk ở Kathmandu





Về thức uống, Bpk đặc biệt thích sự đa dạng của các loại nước uống có cồn ở Nepal. Rất nhiều loại bia, mà loại nào uống cũng ngon chứ không như ở Saigon, ngoài Ken ra giờ chẳng dám uống bia gì khác. Nào là Everest, Nepal Ice, Star… của Nepal đến San Miguel, Tuborg, Oranjeboom... của tư bản nước ngoài. Sau này, khi rời Kathmandu đến các vùng khác, bpk còn có dịp khám phá thêm các loại bia địa phương khác, cũng tuyệt không kém. Ở đây chỉ có bia chai loại 640ml, giá TB 120-130Rp (# 25.000 VND) nếu mua ở các tủ lạnh của quầy tạp hóa, còn trong NH, bar… khoảng 180-300Rp tùy nơi. Nói chung là “thoáng” hơn ở quê nhà. Do đó, bạn cứ chơi xả láng, khỏi mắc công “si ngĩ” như lúc ở Sing hay Malaysia!





PA250476-1.jpg


Ngoài vạn thọ, loài hoa tím ngắt này cũng được người dân Nepal ưa thích.





Các nhà nghỉ ở Kathmandu tương đối rẻ. Nếu bạn kiếm được các dorm còn chỗ trống thì giá chỉ khoảng 100Rp/giường. Còn các nhà nghỉ, khách sạn tư nhân trong các hẻm ở khu Thamel cũng chỉ 200-400Rp/phòng, 2 giường. Còn các khách sạn lớn hơn, có ban công, vườn hoa… cũng chỉ 6-10 $US phòng 2 giường.





PA250452.jpg




PA250451.jpg


Chợ quê giữa phố thị





(tbc.)
 
Một đêm thức quá nửa để xem hết bài viết này của bpk. Yuppie sắp thực hiện chuyến đi đến Nepal nên những thông tin của a cực kỳ hữu ích. Cám ơn a
 
Top